Nghị định mới về quyên góp, cứu trợ sẽ sớm hỗ trợ người dân gặp nạn

Người dân xã Lộc Hà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận gạo cứu trợ dự trữ quốc gia. Ảnh: TCDTNN
Người dân xã Lộc Hà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận gạo cứu trợ dự trữ quốc gia. Ảnh: TCDTNN
TPO - Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Nghị định mới về quyên góp cứu trợ, thiên tại, dịch bệnh sẽ được xây dựng theo hướng khuyến khích, tôn vinh, và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Qua đó, đảm bảo nhanh chóng hỗ trợ đúng đối tượng, giúp người dân gặp nạn sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt.

Tạo điều kiện tốt nhất cho vận động, cứu trợ

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, được sự phân công của Chính phủ, bộ đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 64) thời gian qua, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Bộ Tài chính cũng tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương (bằng văn bản), tổ chức, cá nhân (bằng hình thức đăng tải xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính) trước khi trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, qua xem xét, Thủ tướng thấy cần nghiên cứu để sửa đổi Nghị định này một cách tổng thể hơn nên đã giao lại cho Bộ Tài chính xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 (thay vì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 64).

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh, trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và được Chính phủ đồng ý tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.

“Hiện nay, dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương. Đồng thời, dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài chính để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trong cả nước. Trên cơ sở đó, bộ sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ trong tháng 12/2020”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Nghị định mới phải tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm bảo kịp thời và hiệu quả.

Theo đó, dự kiến Nghị định mới sẽ bổ sung các quy định khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Qua đó, đảm bảo nhanh chóng hỗ trợ giúp người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt.

Nghị định mới về quyên góp, cứu trợ sẽ sớm hỗ trợ người dân gặp nạn ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Phân phối đúng đối tượng

Một vấn đề được dư luận rất quan tâm là với Nghị định mới, các tổ chức, cá nhân khác ngoài Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ như các văn nghệ sĩ có thể tiếp nhận ủng hộ để đi cứu trợ đồng bào lũ lụt hay không.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc cá nhân, tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền, hàng nhu yếu phẩm và trực tiếp chuyển đến hỗ trợ người dân gặp thiên tai là việc làm tốt, đáng trân trọng. Việc này không trái với các quy định của Bộ luật dân sự và phát huy các giá trị đạo đức, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc.

Đề đảm bảo hoạt động cứu trợ được hiệu quả, thiết thực cũng như đảm bảo uy tín cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết dự kiến đề xuất rà soát, xem xét bổ sung các quy định đối với các tổ chức, cá nhân được vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Hoạt động này đảm bảo theo quy định của pháp luật và cần có sự thống nhất với chính quyền địa phương về đối tượng, địa bàn và thời gian thực hiện nhằm đảm bảo phân phối đúng đối tượng cần thiết, cấp bách, phù hợp với thực tế.

Đồng thời, bộ sẽ có hướng dẫn phù hợp để các tổ chức, cá nhân ghi chép, phản ánh đầy đủ thông tin về việc tiếp nhận hỗ trợ với các hình thức khác nhau; thông tin về việc phân phối tiền, hàng cứu trợ theo đối tượng, địa bàn và thời gian phù hợp; các chi phí hợp lý liên quan, nhằm có các căn cứ đầy đủ, tin cậy để có thể công khai, báo cáo và thực hiện trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu quản lý, sử dụng tiền, hàng cứu trợ đúng mục tiêu của hoạt động từ thiện.

Có thông tin cho rằng, Nghị định mới sẽ hướng dẫn các nội dung tài trợ là cơ sở hạ tầng như cầu, đường, bệnh viện, trường học,... phục vụ nhu cầu lâu dài cho người dân chứ không chỉ là nhu yếu phẩm hằng ngày, đồng thời quy định mức hỗ trợ.

Bình luận về vấn đề này, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 64 trước đây tập trung vào cứu trợ dân sinh như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; sửa chữa, xây dựng nhà ở; hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương;... để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, các vùng bị thiên tai cũng cần được hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi,...

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64, trong đó có quy định nguồn đóng góp tự nguyện sau khi cứu trợ dân sinh còn dư, được phép sử dụng để khôi phục cơ sở hạ tầng như cầu, đường, bệnh viện, trường học,... phục vụ nhu cầu lâu dài cho người dân. 

MỚI - NÓNG