TPO - Hiện trưởng sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) thảm thiết hơn trong tiếng khóc tái tê của những người mẹ, người vợ… ngóng trông thi thể người thân. Sẽ còn ám ảnh mãi trong ký ức bao người, những ánh mắt của những người dân Trà Leng mỏi mòn trông mong trong tuyệt vọng khôn cùng.
Ngày 31/10, công việc tìm kiếm các thi thể mất tích trong vụ sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn được tiến hành khẩn trương trong điều kiện thời tiết có mưa. Hiện trường nhão nhoẹt, sình lầy khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn và phức tạp. Ảnh: Nguyễn Thành
Chị Hồ Thị Bông (vợ của của Bí thư xã Trà Leng, anh Lê Hoàng Việt) mỏi mòn ngón tin chồng trong vô vọng khi ngôi làng đã bị xoá sổ. Chị Bông kể: Hôm xảy ra sự việc, khi nghe tin bão dữ, anh Việt vận động mọi người trong làng đến nhà mình và một hộ dân khác trong nóc kiên cố hơn để trú bão, đề phòng tai nạn. Ảnh: Cảnh Huệ
Trưa 28/10, khi bão số 9 đổ bộ, kèm theo mưa lớn, anh Việt cẩn thận ghi hình lại cảnh mưa gió, nước suối lên cao để kịp thời báo cáo chính quyền. Tầm 15 giờ chiều, từ trên núi cao vang tiếng nổ lớn. Nước, đất đá từ trên núi ào ào ập xuống, trong chốc lát cuốn trôi người và nhà cửa. Chị Bông và nhiều người khác bị nước đánh dạt nên may mắn thoát chết, còn anh Việt và nhiều dân làng bị vùi lấp
Ông Hồ Văn Đề nghẹn ngào nhìn con gái (chị Bông) với nỗi đau mất người thân. Khu vực sạt lở vốn là nơi tập trung sinh sống của nhiều gia đình con, cháu ông. Trong vụ sạt lở, ông Đề mất tổng cộng 8 người thân. Trong đó có vợ chồng con trai là Hồ Văn Hùng - A Rất Thị Hà, vợ chồng con gái là Hồ Thị Thắm - Hồ Văn Công, con rể là Bí thư xã Lê Hoàng Việt, cháu nội Hồ A Rất Thái Hữu (con trai ông Hùng), cháu ngoại Hồ Thị Lan Anh (con gái bà Thắm) và Hồ Quang Tuyền (cháu của bà Thắm. Ảnh: Cảnh Huệ
Nỗi đau chồng chất, người dân ra tận hiện trường đào bới để chờ tin từ lực lượng cứu hộ. Trong ảnh, một ngưởi dân tìm thấy tấm ảnh gia đình mình còn sót lại trong đống đổ nát sau vụ lở núi kinh hoàng. Ảnh: Cảnh Huệ
Dân làng chăm chú theo dõi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Sau hơn 3 ngày đào bới, nhiều thi thể nạn nhân trong tổng số 22 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Ảnh: Nguyễn Thành
Phía xa, em Võ Văn Quang (19 tuổi) thắp hương trên nền đất nhà mình chỉ còn đất đá, cây cối ngổn ngang. Quang kể, nhà ở Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước. Quang sinh sống ở quê nhưng ba mẹ lên đây ở và bán hàng cách đây bảy năm. Hôm xảy ra lở núi, ba của Quang - ông Võ Ngọc Vinh bị vùi lấp, mẹ may mắn thoát chết. "Cha ơi? Cha ở đâu rồi, về với con đi...". Xen lẫn lời khấn nguyện là tiếng nức nghẹn ngào. Mấy ngày qua, Quang quẩn quanh ở đây chờ tin cha mình nhưng chưa thấy. Ảnh: Nguyễn Thành
Bên sườn đồi, người dân theo dõi và ngóng tin từ lực lượng cứu nạn đang làm nhiệm vụ ở bên dưới.
Những người đàn ông cứng rắn mạnh mẽ của núi rừng Trà My, sau vụ sạt lở kinh hoàng, ánh mắt đăm chiêu đầy lo lắng. Nóc Ông Đề nơi trú ngụ của 11 hộ dân thôn 1 là nơi trú ngụ an toàn của dân làng trong 40 năm qua. Thế nhưng chỉ trong tích tắc, cơn thịnh nộ của đất trời đã cuốn phăng, san bằng tất cả. Ảnh: Nguyễn Thành
Ký ức về trận lũ gây lở núi kinh hoàng sẽ còn hằn mãi trong ký ức người dân Trà Leng, Nam Trà My.