Bộ trưởng Công Thương nói về ‘cơn gió ngược’ năm cũ và thách thức năm mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023 khép lại với những "cơn gió ngược", những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ từ kinh tế thế giới đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế nước ta. Bộ Công Thương kỳ vọng xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn.

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về những kết quả năm 2023 và nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024 của ngành công thương

Những cú lội ngược dòng ngoạn mục

Có thể nói 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, với Việt Nam và ngành công thương. Bộ trưởng có thể cho biết, những khó khăn ấy đã tác động tới lĩnh vực công thương như thế nào?

- Với ngành công thương, những khó khăn tác động trực tiếp trong năm 2023 phải kể đến việc xuất khẩu và sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh những tháng đầu năm. Trong hai tháng đầu của năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, ngành Công Thương năm 2023 cũng ghi dấu ấn nổi bật khi thương mại trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, góp phần đạt tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 27 tỷ USD), gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Công Thương nói về ‘cơn gió ngược’ năm cũ và thách thức năm mới ảnh 1

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những động lực, trụ cột chính cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam năm 2023.

Xuất nhập khẩu năm 2023 tuy chưa đạt được những con số cao và đồng đều như năm 2022 nhưng giới chuyên gia vẫn ghi nhận đó là một nỗ lực lớn, thậm chí trong đó còn có kỳ tích lần đầu đạt được như xuất siêu kỷ lục cao nhất trong nhiều năm qua. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Như chúng ta đã biết, tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2023 biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng gia tăng; các nước ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật,tạo sức ép mới cho hàng xuất khẩu của ta.

Những khó khăn này không phải chỉ có từ đầu năm 2023 mà thực chất đã tiềm ẩn từ các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi chúng ta khép lại năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 371 tỷ USD (tăng 10,6% so với năm trước - PV) thì có một số đánh giá khá lạc quan về triển vọng của năm 2023. Nhưng Bộ Công Thương đã sớm có sự nhận diện, dự báo đúng và chính xác những khó khăn của kinh tế thế giới ngay từ những ngày đầu 2023 để góp phần tham mưu cho Chính phủ kịp thời sớm xây dựng các kịch bản ứng phó một cách chủ động, linh hoạt.

Nhờ những giải pháp kịp thời và tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, hoạt động xuất khẩu của nước ta được duy trì và đẩy mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Thẳng thắn nhìn nhận, con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu.

Tôi có thể lấy ví dụ về việc chọn thị trường Trung Quốc là điểm đột phá. Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và mở cửa nền kinh tế.

Ngoài thị trường Trung Quốc, chúng ta đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp đáng kể.

Bộ trưởng Công Thương nói về ‘cơn gió ngược’ năm cũ và thách thức năm mới ảnh 2

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Càng khó khăn thì càng nỗ lực

Là lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua nhưng công nghiệp vẫn là một trụ cột của nền kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết bức tranh công nghiệp 2023 có những điểm sáng nào đáng ghi nhận?

- Nhìn lại năm 2023, chúng ta đã từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, Chính phủ về việc tạo dựng nền móng để tạo đà cho công nghiệp tiếp tục phát triển bài bản, vững chắc. Có thể kể đến các Quy hoạch về phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những khung khổ rất quan trọng để Việt Nam hướng tới một nền công nghiệp hiện đại, bền vững phục vụ sự phát triển của đất nước và cũng phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, công nghiệp xanh của quốc tế.

Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa là Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều địa phương trong cả nước triển khai nhiều giải pháp kết nối khối doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, hàng loạt các hoạt động khuyến công cũng được Bộ triển khai rộng khắp ở các tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Không chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Bộ Công Thương còn chú trọng, quan tâm đến cả những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để hỗ trợ họ cùng phát triển, bắt kịp xu hướng của Cuộc cách mạng mạng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Công Thương nói về ‘cơn gió ngược’ năm cũ và thách thức năm mới ảnh 3

Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ trình 4 Luật, Nghị định quan trọng thúc đẩy sản xuất trong các lĩnh vực mới

Vậy Bộ trưởng dự báo thế nào về những khó khăn trong năm 2024, một năm được đánh giá là vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều những kịch bản khó lường và giải pháp mà Bộ Công Thương đã xây dựng để ứng phó với biến động?

- Năm 2024, Bộ Công Thương tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Bộ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản; khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng….

Chúng tôi cũng chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Một nhiệm vụ khác chính là đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản

Cùng đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG