Phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương sau khi ông Đỗ Thắng Hải bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Công Thương vừa có quyết định phân công nhiệm vụ tạm thời đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng hai Thứ trưởng là ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Phan Thị Thắng từ ngày 21/12. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trở thành người phát ngôn của Bộ Công Thương thay cho ông Đỗ Thắng Hải.

Việc phân công lại công việc được thực hiện sau khi Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bị bắt tạm giam ngày qua 21/12, để điều tra làm rõ sai phạm liên quan trong vụ án của Công ty kinh doanh xăng dầu Xuyên Việt Oil.

Như vậy hiện nay, Bộ Công Thương chỉ còn lại 2 thứ trưởng là ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Phan Thị Thắng.

2023 là năm có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo của Bộ Công Thương khi nhiều lãnh đạo được luân chuyển công tác và nghỉ hưu.

Trước đó, ông Đặng Hoàng An khi đang đảm nhiệm vai trò thứ trưởng cũng đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 19/7/2023, còn Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng làm chủ tịch 5 hội đồng, trưởng ban chỉ đạo các ban trong ngành công thương, gồm: Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương, theo dõi diễn biến tình hình căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới; ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh; xúc tiến thương mại quốc gia; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm; đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Theo sự phân công mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phụ trách ngành năng lượng, công tác quy hoạch và sử dụng tài nguyên đất trong ngành. Trực tiếp chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Ban cán sự Đảng; chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước với lĩnh vực dầu khí, điện.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác trong các lĩnh vực: Quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng vệ thương mại; xuất khẩu, nhập khẩu, xử lý các vấn đề liên quan đến cán cân thương mại và dịch vụ thương mại; nghiên cứu khoa học, công nghệ, an toàn thực phẩm; thương mại điện tử và kinh tế số; công nghiệp hóa chất; công nghệ thông tin, môi trường’ công tác phòng chống lụt bão; phòng chống cháy nổ và an toàn.

Ông Tân cũng phụ trách chỉ đạo công tác đào tạo; dầu khí, than; quản lý thị trường; điện lực, năng lượng tái tạo; quốc phòng toàn dân và công nghiệp phục vụ quốc phòng; công tác phòng chống tội phạm; chỉ đạo công tác trong lĩnh vực phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, luyện kim và khoáng sản.

Phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương sau khi ông Đỗ Thắng Hải bị bắt ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thông tin báo chí kiêm người phát ngôn của Bộ Công Thương, vị trí do ông Đỗ Thắng Hải phụ trách trước đây. Ông Tân cũng làm Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Công thương, Trưởng ban chỉ đạo về phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cùng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm…

Vị thứ trưởng là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; phụ trách quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, WTO cũng như các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế khác; chỉ đạo chung về các công tác liên quan đến thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phụ trách quản hệ song phương và phát triển thị trường, các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại và phòng vệ thương mại ở nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam tại các nước châu Âu.

Đại diện của Bộ Công thương (Phòng WTO) tại Phái đoàn đại diện thương trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ)… Thay mặt Bộ chỉ đạo ngành công thương tại 42 tỉnh, thành phố.

Ngoài các nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng được giao trực tiếp chỉ đạo các đơn vị là Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Khoa học và công nghệ, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu; các Viện, trường thuộc Bộ Công thương; Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Cục Điều tiết điện lực; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp; Cục Xúc tiến thương mại; Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực và các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí cùng các cơ quan báo chí của Bộ…

Phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương sau khi ông Đỗ Thắng Hải bị bắt ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, đổi mới doanh nghiệp, công thương địa phương, kinh tế tập thể, công tác văn phòng, cải cách hành chính, công nghiệp nhẹ gồm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm và chế biến khác. Trực tiếp chỉ đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ thị trường châu Mỹ (với công tác liên quan đến thị trường châu Mỹ); Cục Công nghiệp địa phương; Cục Công nghiệp (liên quan đến mảng công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm và chế biến khác).

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng chỉ đạo ngành công thương của 21 địa phương còn lại.

MỚI - NÓNG