Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ này đối với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, trường đại học, cao đẳng.
Theo kế hoạch thanh tra, Phòng Thanh tra Kinh tế xã hội và Kiểm toán nội bộ (Thanh tra Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình điện, duy trì điều kiện của giấy phép hoạt động điện lực và hoạt động điện lực trong các lĩnh vực an toàn điện, chất lượng dịch vụ khách hàng, kiểm định thiết bị điện, dụng cụ điện tại Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Thời gian thanh tra trong quý I và II năm 2024. Thời kỳ thanh tra từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra.
Phòng Thanh tra Kinh tế xã hội và Kiểm toán nội bộ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, về an toàn trong khai thác, chế biến than tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bác TKV - CTCP.
Thanh tra Bộ Công Thương cũng phối hợp Vụ Kế hoạch tài chính thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị tại Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE) và Nhà máy Đúc Veam. Đây là hai đơn vị thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
VEAM là một trong những đơn vị bị nêu có nhiều sai phạm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây. |
Tại Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Phòng Thanh tra Kinh tế xã hội và Kiểm toán nội bộ sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác quản lý, sử dụng vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án.
Cũng theo kế hoạch thanh tra, Phòng Thanh tra Kinh tế xã hội và Kiểm toán nội bộ sẽ thanh tra Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp. Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn, ngân sách; công tác đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa, mua sắm, quản lý tài sản công; hoạt động dịch vụ và sự nghiệp có thu.
Cùng với các đơn vị trên, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng sẽ bị thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến kế hoạch thanh tra các đơn vị vừa được công bố của Bộ Công Thương, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một trong những đơn vị đáng chú ý của dư luận thời gian gần đây.
Theo Kết luận thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, VEAM đã có hàng loạt thiếu sót trong quá trình thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước cũng như thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản.
Theo kết luận thanh tra tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa VEAM (ngày 1/7/2014) tổng số nợ Công ty phải thu là hơn 2.595 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu quá hạn dưới 1 năm là 1.404 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 1 năm gần 31 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 2 năm 7,8 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ phải thu quá hạn trên 3 năm và nợ phải thu khó đòi lần lượt là 941 và 210 tỷ đồng, số nợ phải thu chưa đối chiếu là 36,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ VEAM cho các công ty thành viên vay, hỗ trợ vốn không quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục vay; nhiều trường hợp vay không có phương án sử dụng vốn hiệu quả, không có hợp đồng, dẫn đến không thu hồi được, nợ tồn đọng lớn, kéo dài; đến thời điểm thanh tra, còn 5 đơn vị nợ quá hạn số tiền 622,5 tỷ đồng và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, nguy cơ thất thoát lớn vốn của VEAM.