Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí THCS: Chẳng đáng là bao so với các khoản thu khác?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS, theo nhiều chuyên gia nhận định đây là điều vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên, nguồn kinh phí sẽ từ đâu, tức điều kiện nào để đảm bảo đề xuất đó là hợp lý, có thể thực hiện được.

Sao Bộ GD&ĐT chưa nêu lí do phải làm việc này?

Ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Được biết, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí là 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Liên quan đến đề xuất của Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, đây là đề xuất rất tốt.

Tuy nhiên, ông Lâm lại có những băn khoăn và đặt ra vấn đề liên quan tới Nghị định 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

TS Lâm nhấn mạnh, các tỉnh đang thực hiện vấn đề thu, miễn giảm học phí theo Nghị định này. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần giải thích rõ, cơ sở nào để Bộ đặt ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, đề xuất này có thực hiện được không?

“Trong khi các tỉnh thành thực hiện quyết định về khung học phí với mức sàn 300 nghìn, trần là 640 nghìn, chia 3 khu vực với mức khác nhau thì vì sao Bộ GD&ĐT lại nêu ra vấn đề này. Trong tờ trình lại không nêu rõ lí do phải làm việc này”- ông Lâm nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lâm, nếu không nói rõ, vấn đề này có thể trở thành rào cản cho các tỉnh đang thực hiện Nghị định 81.

Bên cạnh đó, theo ông, Bộ GD&ĐT cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên, nguồn kinh phí sẽ từ đâu, tức điều kiện nào để đảm bảo đề xuất đó là hợp lý, có thể thực hiện được.

"Tôi mong Bộ làm rõ thêm phần này, vì nếu không làm rõ sẽ khiến dân hiểu lầm, trong khi các tỉnh đang phải thực hiện Nghị định 81. Bộ GD&ĐT cần đưa ra lập luận của mình để thuyết phục chính phủ, các Bộ ngành liên quan, chứ không thể nêu ra đề xuất rồi lại chìm nghỉm đi", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh thêm.

Ông Lâm cũng thừa nhận, học phí so với các khoản thu khác chẳng đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay.

Do đó, theo ông Lâm, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các nhà trường có thể khó khăn hơn, nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng.

“Bên cạnh đề xuất giảm học phí, Bộ GD&ĐT phải tham mưu cho các địa phương cùng thực hiện, quản lý các khoản thu dưới hình thức xã hội hóa ở các tỉnh, thành tránh việc đưa ra nhiều điều khoản nhưng không thực hiện được”- ông Lâm nêu quan điểm.

Liệu có vội vàng?

Đưa ra ý kiến về đề xuất của Bộ GD&ĐT, Nhà nghiên cứu giáo dục độc lập TS Vũ Thu Hương cho rằng, vấn đề ở đây không phải là miễn hay tăng học phí mà nằm ở chỗ các quyết định của cả 1 ngành lớn, liên quan đến mọi gia đình nhưng được đưa ra quá vội vàng, thậm chí tùy tiện.

Cũng theo bà Hương, cách đây chưa lâu, bộ Giáo dục đề nghị tăng học phí. Đến giờ lại miễn học phí. Dư luận có quyền đòi hỏi về các lý do của những quyết định này được xem xét trên cơ sở khoa học và thực tiễn hay chỉ tung ra hết sức vội vàng để yên lòng dư luận?

“Vấn đề đặt ra ở đây là, những quyết định này sẽ để lại hiệu ứng hay hậu quả gì, đã có nghiên cứu cụ thể chưa, và tại sao các quyết định lại tung ra trái ngược nhau trong thời gian quá ngắn như thế”- bà Hương nói

Bà Hương đặt câu hỏi, liệu rằng tất cả các quyết định của Bộ có quy trình nghiên cứu nghiêm túc hay không? Nếu giảm học phí hoặc miễn học phí mà các phí khác vẫn có, không được quy định chặt chẽ thì còn gây khó khăn nhiều hơn cho phụ huynh.

Bà Hương cho rằng, thực tế, phụ huynh cần quy định rõ mức đóng học phí và những khoản gì sẽ được tính trong phần học phí đóng góp.

Ví dụ: toàn bộ năm học trường sẽ thu cỡ 2 triệu cho tất cả các mục chi, không phát sinh thêm 1 khoản nào thì sẽ là phương án tốt nhất cho các gia đình. Còn hiện nay, học phí chỉ là 1 phần vô cùng nhỏ, bên cạnh đó sẽ có cả 1 danh mục các khoản thu khác mà không có bất kể một quy định nào cho các khoản này

Bà Hương dẫn chứng, ở các trường dân lập, học phí rất cao nhưng ngoài ra, các khoản phát sinh quy định rõ ràng và được niêm yết cho toàn bộ phụ huynh đều biết. Riêng về việc này, các phụ huynh đều cảm thấy rất thoải mái mặc dù số tiền học là rất cao.

“Rõ ràng, phụ huynh không hề yêu cầu xem xét đến việc miễn giảm học phí hay tăng học phí. Điều các phụ huynh cần là sự rõ ràng trong các khoản thu, tổng thể là 1 khoản cố định và không phát sinh”- bà Hương nói.

Ở giáo dục công lập, được nhà nước bao cấp, số tiền học không thể quá cao. Vì thế, nếu cộng toàn bộ các chi phí khác vào kèm tiền học và phổ biến rồi thu theo tháng hoặc năm, sẽ là phương án phù hợp nhất với mọi gia đình.

“Tôi nghĩ, bộ Giáo dục chỉ cần đưa ra 1 quy định rõ ràng về trần khoản thu (tuyệt đối cấm vượt trần) là hết ngay lạm thu”- bà Hương nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG