Giáo viên mách nước tuyệt chiêu làm bài thi đạt điểm cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bước vào kỳ thi, giáo viên khuyên học sinh phải bình tĩnh, tự tin, đọc kỹ đề và phân bổ thời gian hợp lý sẽ đạt kết quả tốt.

TS Nguyễn Thành Nam (Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự)

Theo TS Nam, để làm thi đạt kết quả tốt nhất các em cần lưu ý một số điểm sau đây:

Giáo viên mách nước tuyệt chiêu làm bài thi đạt điểm cao ảnh 1

TS Nguyễn Thành Nam (Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự).

Về sức khỏe: Sát ngày thi, thí sinh cần phải giữ sức khỏe ổn định bằng cách sinh hoạt điều độ như: không nên thức quá khuya, dậy quá sớm, và cần đảm bảo ngủ đủ giấc.

Hạn chế những hành động có thể làm mất ổn định hoặc gây ra vấn đề cho sức khỏe, tránh vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Tránh ăn những loại thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc. Tóm lại giống như vận động viên trước khi thi đấu, thí sinh cần phải giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất có thể.

Về việc ôn thi: không nên tập trung vào học kiến thức mới nữa, mà nên ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Ví dụ, các em luyện tập trên một số đề thi chuẩn, và dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian cho hợp lí. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kĩ thuật tính toán sao cho nhanh và chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.

Trong quá trình làm bài thi: không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, thay vào đó nên tập trung vào phần đang làm. Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường cũng không cần phải lo lắng, áp lực. Trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó cần suy nghĩ tích cực đó là cái khó chung cho tất cả thí sinh. "Điều quan trọng là các em cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất", TS Nam nói.

Cô Thiều Thị Dung (Tổ khoa học tự nhiên Hệ thống Giáo dục HOCMAI)

Đọc kỹ đề: với môn Vật lí chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn, nếu thí sinh đọc đề bài một cách sơ sài sẽ không thể nào phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm xong các phép tính, các em cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.

Nháp thẳng vào đề thi: để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, thí sinh nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.

Phân bổ thời gian hợp lí cho các câu hỏi: số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên các em cần ưu tiên xử lí nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Tuy nhiên với câu hỏi dễ thí sinh cần làm chắc chắn, tránh mất điểm đáng tiếc vì "ẩu".

Thời gian còn lại các em quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lí trước, câu lạ và khó xử lí sau. Hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào.

MỚI - NÓNG