Bà Nguyễn Thị Hiền, Điểm trưởng Điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội), kể rằng, những năm trước, một số thí sinh ngủ quên, đến điểm thi muộn quá 15 phút kể từ khi phát đề nên không được dự thi; có em vô tình mang điện thoại vào phòng thi, dù không sử dụng nhưng vẫn vi phạm quy chế thi, bị lập biên bản. Quy định mới của năm nay là tất cả đồ đạc, vật dụng cá nhân của thí sinh đều phải để cách xa phòng thi ít nhất 25 mét. Do đó, thí sinh không nên mang vật dụng cá nhân đắt tiền như điện thoại, máy tính bảng… vì khi gửi đồ giá trị ở ngoài dễ có tâm lý bất an, không tập trung làm bài thi.
“Một lỗi thí sinh hay mắc phải trong các kỳ thi hằng năm là nhầm điểm thi nên buổi làm thủ tục dự thi là dịp để các em biết điểm thi, phòng thi, đường đi, tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, vẫn có tình trạng thí sinh tô nhầm mã đề, viết sai số báo danh. Khi gặp sự cố như vậy, thí sinh không nên quá lo lắng, sợ hãi mà phải báo ngay cán bộ coi thi để được xử lý”, bà Hiền nói.
Ở các kỳ thi trước, một số thí sinh ngủ quên, đến điểm thi muộn giờ |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các hội đồng thi quán triệt cán bộ coi thi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh; các trường rà soát lại điều kiện từng học sinh để nắm được em nào khó khăn cần sự trợ giúp. Phía ngoài cổng điểm thi luôn có lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh.
TT-Huế: Tạo thuận lợi về điểm thi
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TT-Huế, với 33 điểm thi tương ứng 33 cơ sở giáo dục THPT mà thí sinh theo học trước đó, các em sẽ không gặp khó khăn khi đến trường thi, nhất là với thí sinh vùng cao. Đối với 4 điểm thi trưng dụng từ trường THCS, ngành giáo dục TT-Huế lựa chọn khu vực thuận lợi nhất có thể cho thí sinh. Với phương thức bố trí nhân lực coi thi chéo giữa các huyện, thị xã, thành phố giáp ranh, giáo viên tham gia phục vụ kỳ thi sẽ không phải di chuyển quá xa qua các địa phương, trừ huyện miền núi A Lưới nằm khá cách biệt.
Ngọc Văn
Thí sinh F0 thi phòng riêng
Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh mắc COVID-19 (F0) có thể dự thi nếu đảm bảo sức khoẻ và có đơn đăng ký. Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi điểm thi bố trí phòng thi dự phòng để thí sinh F0 dự thi. Theo hướng dẫn, các phòng thi được phun khử khuẩn trước và sau mỗi buổi thi, đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. Thí sinh là F0 đeo khẩu trang trước, trong suốt thời gian làm bài và sau khi ra về.
Sáng 7/7, thí sinh dự thi môn Ngữ văn (120 phút); chiều 7/7 thi môn Toán (90 phút); sáng 8/7, làm bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội (150 phút/bài thi); chiều 8/7, thi môn Ngoại ngữ (60 phút).
Thí sinh thuộc diện nghi ngờ khi đến điểm thi được nhân viên y tế test nhanh, nếu có kết quả dương tính cũng sẽ được bố trí dự thi cùng phòng thí sinh F0. Thí sinh F1 được dự thi cùng các thí sinh không ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cán bộ coi thi ở phòng thi thí sinh F0 sẽ phải mặc quần áo bảo hộ, sát khuẩn tay trước và sau khi kết thúc mỗi bài thi.
Ngày 5/7, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, tỉnh có 13.345 thí sinh đăng ký dự thi; thí sinh F0 dù thuộc đối tượng được đặc cách vẫn có thể dự thi trực tiếp tại phòng thi dự phòng, nếu các em có nhu cầu.
Thanh Hóa: Hỗ trợ ăn nghỉ cho thí sinh, người nhà
Thầy Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh, cho biết, đối với thí sinh ở xa điểm thi, trường đã bố trí cho các em và phụ huynh ở, sinh hoạt tại khu ký túc xá học sinh của trường (khoảng 200 chỗ). BCH Đoàn trường phối hợp huyện Đoàn tổ chức đội tình nguyện để hướng dẫn thí sinh và người nhà, cung cấp nước uống miễn phí.
Trong khi đó, Trường THCS&THPT Quan Hóa (huyện Quan Hóa) cùng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa hỗ trợ 180 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà. Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa sẽ tổ chức nấu ăn cho thí sinh. Trường THCS&THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn) bố trí ban đại diện Hội phụ huynh đi cùng thí sinh.
Hoàng Lam