Cô giáo dạy Văn chia sẻ bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn trường THPT liên cấp Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ những kinh nghiệm để sĩ tử cần có phương pháp làm bài tốt nhất để có kết quả cao môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT.

Cô Thủy cho rằng, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu văn bản và làm văn – trong đó có câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Phần đọc hiểu, nghị luận xã hội, đề thường ra đơn giản, quen thuộc, ngoài phạm vi chương trình sách giáo khoa. Phần câu hỏi này ở mức độ thông hiểu, vận dụng. Phần này cần trả lời sâu sắc nhưng không nên quá dài dòng.

Với nội dung câu nghị luận văn học (chiếm 5 điểm), thí sinh cần tránh để mất điểm. Đối với câu hỏi này, đề có thể yêu cầu nghị luận về một đoạn trích thơ hoặc một đoạn trích văn xuôi cho sẵn. Vậy nên, thí sinh cần nắm chắc phương pháp thì mới có thể làm bài thi tốt.

Cô Thủy cho rằng, học sinh cần ghi nhớ chính xác tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để làm phần mở bài. Còn đối với thơ, cần ôn lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Với văn xuôi, cần tập trung học một số đoạn trích hay, có khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi, cần lưu ý thêm câu hỏi phụ.

Khi làm bài, cô Thủy cho rằng, học sinh cần đọc kĩ yêu cầu của đề. Căn thời gian cho từng câu, từng phần (căn cứ vào số lượng điểm của từng câu/ phần; căn cứ vào đặc điểm, kĩ năng trả lời của từng phần).

Ví dụ, phần đọc hiểu học sinh cần viết ngắn gọn, đủ ý, chính xác và trọn vẹn. Phần làm văn cần đủ ý, chính xác và diễn đạt trôi chảy mượt mà, sâu sắc nên cần thêm thời gian so với phần đọc hiểu.

Cô Thủy nhấn mạnh, nội dung bài văn cần viết đúng, viết đủ, chú ý vào nội dung, nghệ thuật, giá trị tư tưởng của tác phẩm. Dĩ nhiên, học sinh có năng khiếu văn chương sẽ có cách phân tích, cảm nhận riêng, giám khảo trân trọng những góc nhìn đó và cho điểm thêm.

Ở phần nghị luận văn học cần xác định yêu cầu nghị luận trong đó có yêu cầu chính và yêu cầu phụ. Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc: mở bài- thân bài- kết luận.

Ở phần mở bài, cần giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

Thân bài, cần nói được hoàn cảnh, xuất xứ, đặc điểm lớn về nội dung nghệ thuật của tác phẩm,...Dẫn nối phần đầu tác phẩm (nếu ngữ liệu nằm ở phần sau tác phẩm)

Phân tích kĩ vấn đề ngữ liệu (ngữ liệu trong đề). Nếu sau ngữ liệu tác phẩm vẫn còn nội dung thì phân tích lướt qua phần còn lại của tác phẩm trước vài dòng.

Đánh giá nghệ thuật có thể linh hoạt, uyển chuyển kết hợp với yêu cầu phụ nếu có điểm gặp gỡ, giao lưu.

Phần kết bài, thí sinh cần khẳng định lại vấn đề cũng như đánh giá vị trí, ý của đoạn trích tác phẩm trong giai đoạn, nền văn học. Ngoài ra, thí sinh cần biết suy tưởng của bản thân.

Lưu ý khi viết nghị luận văn học, thí sinh cần biết đi từ nghệ thuật đến nội dung. Có sử dụng liên hệ, lý luận vào trong bài thì vào sẽ sâu sắc, ấn tượng, thể hiện sự sáng tạo mới có thể “ăn điểm” cao.

“Thí sinh cần biết chia tác các ý thành đoạn rõ ràng, tránh đoạn văn quá dài”- cô Thủy nhấn mạnh.

Cô Thủy cho rằng, câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế (nếu có) sẽ xuất hiện ở câu nghị luận xã hội. Với dạng câu hỏi này, thí sinh cần đưa những dẫn chứng gần gũi, mang tính thời sự, có ý nghĩa với cuộc sống sẽ làm cho bài viết thuyết phục hơn. Không nên lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học sẽ mang tính hư cấu của tác giả.

“Học sinh cần viết đảm bảo dung dượng, khoảng ¾ đến một trang giấy thi là cùng. Tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm mà đề yêu cầu các phương diện liên quan vấn đề nghị luận có thể đề cập nhưng không quá chi tiết. Có cái nhìn biện chứng”- cô Thủy lưu ý thí sinh

Muốn làm bài không lạc đề, theo cô Thủy, thí sinh cần đọc kĩ đề, từ đó gạch chân từ khóa trọng tâm. Ví dụ, câu nghị luận xã hội hỏi: “Ý nghĩa của lối sống hi sinh”, ta có những từ khóa “ý nghĩa”, “hy sinh”.

Theo cô Thủy, kinh nghiệm cho thấy, thí sinh nên viết bài văn theo kiểu kết hợp diễn dịch và quy nạp thì bài viết sẽ chặt chẽ. Đoạn văn nhất thiết phải có một dẫn chứng đắt giá.

Cuối cùng, thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lí.

Ví dụ: dành 10-15 phút làm đọc hiểu, 20-25 phút làm nghị luận xã hội còn lại ưu tiên thời gian cho câu nghị luận văn học. Dành 5-7 phút cuối đọc lại bài làm để sửa chữa lỗi chính tả nếu có.

MỚI - NÓNG