Bệnh viện ở miền Tây được Hội đột quỵ Thế giới tôn vinh

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện ở miền Tây được Hội đột quỵ Thế giới tôn vinh
Sau 3 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 71.000 bệnh nhân đến khám và điều trị đột quỵ. Với những nỗ lực cứu chữa người bệnh ở vùng trũng về y tế, ngày 29/10 Hội đột quỵ Thế giới đã tôn vinh, trao chứng nhận tiêu chuẩn Bạch Kim trong điều trị đột quỵ tới bệnh viện.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trong các bệnh hiện nay, có khuynh hướng ngày càng gia tăng đe dọa sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tại đây đã khám, điều trị cho gần 170.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 71.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ.

Bệnh viện ở miền Tây được Hội đột quỵ Thế giới tôn vinh ảnh 1

Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ tại các tỉnh miền Tây đã may mắn được cứu sống

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện cấp cứu trung bình từ 20 đến 30 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân đến ở “thời gian vàng” (nhập viện trước 6 giờ) cấp cứu đột quỵ đạt khoảng 20%.

Những năm qua, hiệu quả cấp cứu đột quỵ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được nâng cao, tốt hơn rất nhiều so với việc phải di chuyển đến TPHCM, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ tại thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh nhân mắc mới đột quỵ đến bệnh viện tính đến hiện tại là hơn 6.990 bệnh nhân. Trong đó, nhồi máu não chiếm 75% và 25% xuất huyết não. Đáng lo hơn là số lượng bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ đang chậm lại trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2020 có 23% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng (trước 6 giờ) trong khi đó đến tháng 9/2021, tỷ lệ thời gian vàng chỉ có 19% (Bệnh nhân đến trễ giờ vàng tăng do ảnh hưởng của đi lại do dịch COVID- 19).

“Đây là thay đổi đáng lo, thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục cấp cứu những trường hợp đột quỵ quá nặng đến trễ giờ vàng làm cho gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, việc cấp cứu, điều trị khó khăn hơn rất nhiều” – BS Trần Chí Cường nói.

Bệnh viện ở miền Tây được Hội đột quỵ Thế giới tôn vinh ảnh 2

S.I.S Cần Thơ đã nhận được chứng nhận chuẩn bạch kim của Hội Đột quỵ Thế giới

Vượt qua những khó khăn, thời gian qua Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã nỗ lực điều trị tối thiểu 75% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện trong vòng 60 phút khi nhập viện; tối thiểu 75% bệnh nhân can thiệp tái thông được bắt đầu chọc kim can thiệp dưới 120 phút; tối thiểu 15% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tái thông; tối thiểu 85% bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ được tầm soát rối loạn nuốt; tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị dự phòng với thuốc chống ngưng tập tiểu cầu; tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ có liên quan tới rung nhĩ được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông.

Căn cứ trên các tiêu chí trên, ngày 29/10 Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) tôn vinh và trao chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ.

BS Trần Chí Cương chia sẻ: “Trong thời gian tới, rất mong Bệnh viện sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, tăng cường sự kết nối và công tác đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện và phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển lên TPHCM”.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.