Bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ
Theo đánh giá của PwC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới năm 2016 là 53%, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%...

Thực trạng này được nhìn nhận như thế nào? Đâu là lưu ý cần thiết cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Xin chào Ông Lê Ngọc Lâm!

PV:  Thưa Ông, theo đánh giá của PwC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình  trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới năm 2016  là 53%, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%... Những con số này nói lên điều gì, thưa Ông?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của DN chỉ chiếm khoảng ¼ tổng giá trị tài sản của DN. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của DN chiếm đến ¾, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của DN. Vì thế, việc tạo lập và phát triển các quyền SHTT sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của DN mà nếu bỏ qua thì chắc chắn DN sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặt khác, điều đó thể hiện việc tạo lập, đăng ký và ứng dụng tài tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh của các DN trong nước không cao. Chính vì vậy, thực tê cho thấy, lượng đơn đăng ký của các DN của chúng ta tại Cục SHTT thay đổi, khác nhau ở từng đối tượng. Ví dụ, đối với sáng chế, giải pháp hữu ích thì các DN trong nước nộp đơn rất ít, tỷ lệ thấp, chỉ chiếm 12% đối với sáng chế, tổng 16% cả giải pháp hữu ích. Các DN của VN chủ yếu tập trung vào đối tượng là nhãn hiệu…

PV: Lý giải cho thực trạng này như thế nào, thưa Ông?

Trước hết, xuất phát từ việc ứng dụng tài sản trí tuệ đó vào sản xuất kinh doanh một mặt nó phụ thuộc vào năng lực của chính doanh nghiệp chúng ta. Mặt khác, nó phụ thuộc vào ý thức của các DN. Các DN chủ yếu quan tâm đến khía cạnh thương mại mà ít quan tâm tới SHTT, trong khi đó, nếu biết tận dụng, khai thác những thế mạnh của SHTT thì nó đóng góp rất nhiều vào tài sản DN, vị thế của DN được nâng lên, tài sản DN được nâng lên và giá trị thương hiệu của DN được nâng lên.

Bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ảnh 1

PV: Vậy, để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cần phải tiến hành thủ tục gì?

SHTT hoặc SHCN đều có yêu cầu khác nhau theo quy định của pháp luật. Để có được quyền đó, phải tùy vào đối tượng đó như thế nào. Thông thường, các đối tượng SHCN thường phải tiến hành đăng ký mới phát sinh quyền cho chủ sở hữu. Nếu như các DN tạo ra được các đối tượng SHCN nhưng không tiến hành đăng ký thì khả năng mất quyền đối với họ là nhãn tiền. Hoặc không còn đủ điều kiện bảo hộ hoặc bị đối tượng khác chiếm đoạt. Đây là những điều kiện bắt buộc.

Ngoài ra, để đăng ký, DN thường phải hiểu biết pháp luật, hiểu đối tượng SHTT để xác định xem cần đăng ký cho đối tượng nào. Nếu các DN tự làm được thì nộp trực tiếp cho Cục SHTT, nếu DN nào không làm được thì có thể thông qua các tổ chức đại diện SHTT.

Ngoài quy định thủ tục của hệ thống pháp luật quốc gia, khi đăng ký ra nước ngoài, các DN còn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ chính các quốc gia đó, họ có quy định riêng, thậm chí rất khác…

PV: Vậy, lưu ý nào cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, thưa Ông?

Việc xác định đúng đối tượng và đăng ký quyền SHTT nó quyết định đến việc thành bại của chính DN. Việc tạo lập một hành lang pháp lý trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài rất quan trọng.

Tài sản của DN, DN phải có ý thức bảo vệ. Công tác tự bảo vệ mình cũng rất quan trọng, tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình…vv

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG