Lắng nghe bản giao hưởng về tình yêu Tổ quốc
Sáng nay, 14/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII với chủ đề Mùa xuân đất nước- Từ Điện Biên đến Trường Sa chính thức khai mạc trong tiết trời lạnh buốt, không “phơn phớt mưa xuân” như mọi năm.
Mở màn tại Sân thơ truyền thống, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu về chủ đề Ngày thơ: Mùa xuân đất nước - Từ Điện Biên tới Trường Sa nhằm ca ngợi truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, các sáng tác trong Ngày thơ năm nay hướng tới những đề tài khẳng định chủ quyền Tổ quốc nơi biển đảo và kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc là sợi chỉ xuyên suốt chủ đề của Ngày thơ Việt Nam 2014.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) giơ cao bức họa thơ Nguyên Tiêu
Lễ khai mạc bắt đầu với bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng ngâm rất cổ của nhà thơ Lương Tử Đức. Sau đó, các tác phẩm thi ca với chủ đề Tổ quốc, biển đảo, Điện Biên Phủ như Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên… lần lượt được thể hiện với nhiều hình thức ngâm thơ, ca hát.
Nhà thơ Anh Ngọc tự ngâm bài Trời Điện Biên mây trắng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với bài Bất tử, Trần Quang Quý với bài Nhớ một chiều Tây Bắc, Vương Trọng có bài Đêm rượu Điện Biên… Thơ về biển đảo có bài Mộ gió của Trịnh Công Lộc và Thêm một lần Tổ quốc sinh ra của Nguyễn Việt Chiến…
Ngoài phần trình diễn thơ, các tiết mục biểu diễn của đại diện các tỉnh thành như đàn tính Lạng Sơn, múa trống cơm Hải Dương…, tại Sân thơ truyền thống còn có cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như nhà văn Hồ Phương, nhà văn Chu Phác, Lê Kim, nhạc sĩ Hoàng Vân, đạo diễn- NSND Bùi Đình Hạc…
Với nhiều bài thơ thấm đẫm tình yêu biển đảo, khẳng định chủ quyền dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, đầy sức sống; chia sẻ với báo chí, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ví Ngày thơ Việt Nam là bản giao hưởng của các thi sĩ Việt Nam khẳng định tình yêu Tổ quốc.
Một trong những điểm nhấn và cũng là điểm khác biệt so với Ngày thơ các năm trước là năm nay, có triển lãm nửa thế kỷ các nhà thơ chống Mỹ với việc trưng bày các hiện vật, bản thảo của các nhà văn Việt Nam thế hệ chống Mỹ. Các hiện vật, bản thảo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhiều thế hệ người yêu thơ.
Dấu ấn từ Sân thơ trẻ
Cùng chủ đề Mùa xuân đất nước- Từ Điện Biên đến Trường Sa, Sân thơ Trẻ 2014 được dàn dựng theo 4 tổ khúc lấy chữ XUÂN làm nền, với tinh thần hướng về Điện Biên, biển đảo đó là: Mùa xuân vỗ cánh, Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân, Xuân trầm tích và Xuân của mẹ.
Sân khấu chính của Sân thơ Trẻ năm nay vẫn dành cho trình diễn thơ với phần phụ họa của âm thanh và hình ảnh góp phần làm tăng hiệu ứng cảm nhận của công chúng yêu thơ văn. Người biểu diễn không ai khác chính là tác giả, những người vốn âm thầm, giấu mình trong khoảng lặng nay bước ra một không gian mới với vai trò mới.
Bình Nguyên Trang trình diễn trên Sân thơ Trẻ
Theo nhà thơ Phan Huyền Thư- đạo diễn chương trình tại Sân thơ Trẻ thì dù gấp gáp, không có nhiều thời gian luyện tập nhưng các nhà thơ vẫn nỗ lực hết mình. Dù thiếu vắng nhiều gương mặt như Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thế Hoàng Linh…, Sân thơ Trẻ năm nay vẫn cố gắng đem lại những màn trình diễn đậm dấu ấn cá nhân.
Năm nay, Sân thơ Trẻ có sự góp mặt của 9 tác giả tiêu biểu đại diện cho nhiều tỉnh thành trong cả nước: Bình Nguyên Trang, Trương Xuân Thiên (Hà Nội); Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh); Lê Vi Thủy (Gia Lai); Lê Vĩnh Thái (Huế), Lương Thìn (Bắc Ninh), Lò An Dương (Hà Giang); Nguyễn Thế Kiên (Nam Định) và sự trở lại của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến sau một thời gian vắng bóng.
Bên cạnh việc giới thiệu các gương mặt mới, sân khấu của Sân thơ Trẻ còn dành thời gian để quảng bá tác phẩm mới của các tác giả trẻ, có thể kể đến như: tiểu thuyết 9X09 của Nguyễn Quỳnh Trang, tập chân dung Tìm trong cõi người của Bình Nguyên Trang, tập thơ Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người của Lương Đình Khoa…
Chuối ngự Nam Định (trên) và thịt gác bếp, ngô Hà Giang tại Hội thơ
Cũng trong khu vực Sân thơ Trẻ, những ai muốn tìm lại những góc thơ, cây thơ mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi “người thơ” tại những mùa thơ trước giờ chỉ còn lại những hoài niệm.
Thay vào đó là các khu trưng bày của các Hội văn học nghệ thuật tại nhiều tỉnh thành. Khá lạ mắt, tại các gian trưng bày ngoài tác phẩm thi ca còn trưng bày các… sản vật nổi tiếng của địa phương như: thịt gác bếp, ngô, chuối ngự, bưởi Đoan Hùng…
Trước băn khoăn của người yêu thơ về Ngày hội thơ không được tổ chức…hoành tráng như mọi năm, chia sẻ với báo chí, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người tham gia viết kịch bản ở sân thơ truyền thống cho biết:
“Ngày thơ năm nay được tổ chức khác mọi năm ở chỗ cố gắng đi vào chiều sâu, bỏ bớt rườm rà, hào nhoáng, lấy trang nhã là chính. Chúng tôi cố gắng tạo ra một sự giao lưu đầm ấm và hài hòa giữa công chúng và các nhà thơ để mọi người thấy được đây là Lễ hội của các nhà thơ và của người yêu thơ.”
Một số hình ảnh Ngày thơ Việt Nam 2014 tại Hà Nội:
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc diễn văn khai mạc Ngày thơ lần thứ XII
Bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng ngâm rất cổ của nhà thơ Lương Tử Đức
Khách Quốc tế say sưa chụp hình tại Sân thơ truyền thống
Nhiều người yêu thơ chăm chú lắng nghe
Photo: ..
Nhà thơ- nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến biểu diễn trên Sân thơ Trẻ
Nhiều bạn trẻ thích thú nhìn ngắm các hiện vật được trưng bày
Khẳng định chủ quyền biển đảo, tình yêu dân tộc được các bạn trẻ thể hiện bang nhiều hình thức khác nhau
Thơ được thể hiện muôn màu muôn vẻ
Hai người bạn già gặp gỡ tại Ngày thơ
Các nghệ sỹ chuẩn bị trước khi trình diễn