ASEAN không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa

Tàu thuộc hai lực lượng cảnh sát biển Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau ở biển Đông. Ảnh: Inquirer
Tàu thuộc hai lực lượng cảnh sát biển Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau ở biển Đông. Ảnh: Inquirer
TP - ASEAN đã cân nhắc việc lên tiếng về phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng rồi không tìm được quan điểm chung, các nhà ngoại giao khu vực cho biết. Trong khi đó, Mỹ đang lặng lẽ vận động các nước liên quan, đồng thời chuẩn bị phương án dự phòng.

“Các quan chức ASEAN đã chuẩn bị một dự thảo nhưng không nhận được sự đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung”, nhiều hãng tin lớn của thế giới hôm qua dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á tiết lộ. Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc có thể dựa vào một số nước được coi là đồng minh của họ trong ASEAN để ngăn chặn ASEAN đưa ra tuyên bố chung. “Một số nước ASEAN chắc chắn không vui. Hành động của Bắc Kinh có thể bị coi là sự can dự vào vai trò trung tâm của ASEAN”, nguồn tin nói.

Một quan chức cấp cao khác ở Đông Nam Á cho biết, Trung Quốc đã “thành công trong việc chia rẽ ASEAN về vấn đề biển Đông thông qua các đồng minh của họ”, Kyodo News đưa tin. Khi được hỏi về việc vì sao ASEAN không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm qua nói: “Vui lòng chuyển câu hỏi của bạn sang nước chủ tịch Lào”.

Trước khi Tòa đưa ra phán quyết, Campuchia tuyên bố họ sẽ không ủng hộ bất kỳ bình luận nào của ASEAN, vì thế chắc chắn ASEAN không thể có quan điểm chung vì nguyên tắc hoạt động của khối là đồng thuận, Philstar đưa tin. ASEAN từng có một số tuyên bố chung thể hiện quan ngại trước các hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng những điều đó dường như khó lặp lại. “Chúng ta không nên kỳ vọng trong tương lai sẽ có một tuyên bố chung của ASEAN về Trung Quốc”, cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc Lauro Baja nói.

Ngoại giao lặng lẽ

Mỹ đang sử dụng ngoại giao lặng lẽ để thuyết phục Philippines và các nước liên quan khác trên biển Đông không quá vồ vập tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, đặc biệt là nội dung phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. “Điều chúng tôi muốn là khiến mọi việc yên lặng để vấn đề có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì theo cảm xúc”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên.

Mỹ nhắn gửi thông điệp này thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài hay các phái đoàn nước ngoài tại Washington, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức cấp cao khác chuyển trực tiếp thông điệp đến quan chức cấp cao của những nước này, nguồn tin cho biết. “Đây là lời kêu gọi đồng loạt yên lặng, chứ không phải nỗ lực nhằm tập hợp lực lượng chống lại Trung Quốc, dẫn đến hiểu sai rằng, Mỹ đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm tỏa Trung Quốc”, quan chức giấu tên nói.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ hy vọng sáng kiến ngoại giao lặng lẽ sẽ thành công hơn ở Indonesia và Philippines. Để khẳng định chủ quyền, Jakarta muốn đưa hàng trăm ngư dân ra khu vực mà Trung Quốc luôn gọi là ngư trường truyền thống của họ.

Trong khi đó, nhiều ngư dân Philippines đang bị các tàu hải quân và tài hải cảnh Trung Quốc quấy rối, báo Philippines The Inquirer đưa tin. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, trước khi Tòa đưa ra phán quyết, ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, và ông Carter nói rằng, Trung Quốc đã bảo đảm với Mỹ là Bắc Kinh sẽ kiềm chế và muốn Washington cũng cam kết kiềm chế. Ông Carter đã kêu gọi và nhận được sự bảo đảm tương tự từ Philippines, ông Lorenzana nói.

Hôm qua, People’s Daily, tờ báo chính thức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin, Trung Quốc đã thể hiện họ có thể giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đối thoại. Tuy nhiên, hai máy bay dân dụng của Trung Quốc vừa hạ cánh xuống hai đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, bước đi này làm gia tăng chứ không giảm bớt căng thẳng.

Ngày 14/7, lực lượng hải cảnh Trung Quốc lại tiếp tục cản trở ngư dân Philippines vào đánh bắt trong bãi cạn Scarborough, bất chấp Tòa ra phán quyết rằng, hành động này là trái luật pháp. Một phóng viên của kênh ABS-CBN đi cùng trên tàu của nhóm ngư dân Philippines từ đảo Luzon đến Scarborough cách đó 120 hải lý.

Phóng viên này tường thuật rằng, một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đậu gần bãi cạn khi nhóm ngư dân Philippines đến vào chiều 14/7. Một tàu Trung Quốc bám đuôi họ và một tàu khác chặn họ đi vào bãi cạn. Sau đó, hai xuồng cao tốc Trung Quốc tiếp cận và bao vây tàu của Philippines, phóng viên cho biết.

Phương án dự phòng

Nếu nỗ lực hạ nhiệt của Mỹ thất bại và cuộc cạnh tranh tiếp tục leo thang thành đối đầu, các lực lượng hải quân và không quân Mỹ đã chuẩn bị để duy trì tự do hàng hải, hàng không ở khu vực tranh chấp, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. Ông Ben Cardin, quan chức cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng, nguy cơ đối đầu ít khả năng xảy ra nếu Philippines, Indonesia, Việt Nam và các nước khác phối hợp với Mỹ thay vì tự mình hành động. “Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đối đầu với Mỹ”, ông Cardin nói.

Phán quyết của Tòa dự kiến sẽ là chủ đề chính được bàn tới trong cuộc họp của ASEAN vào cuối tháng 7 tại Lào. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng này. Trước khi lên đường sang Mông Cổ dự hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên Nhật Bản rằng, tại hội nghị này, ông sẽ kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề biển Đông.

Một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ hôm qua nói rằng, chính phủ Trung Quốc có thể đứng sau vụ tấn công các máy tính của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ. Trong một vụ việc khác, doanh nhân Trung Quốc Su Bin hôm qua bị tòa án Mỹ kết án 46 tháng tù vì tội âm mưu đột nhập mạng máy tính của Boeing và các nhà thầu quốc phòng lớn khác của Mỹ. Su Bin bị cáo buộc hỗ trợ tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc thâm nhập và đánh cắp thông tin quân sự Mỹ.

MỚI - NÓNG