Phán quyết góp phần hạn chế phạm vi tranh chấp trên biển Đông

TS Trần Việt Thái nói: “Phán quyết của Tòa phù hợp với lợi ích của Mỹ, nên Washington sẽ hoan nghênh, tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ và thực thi”. Ảnh: Trúc Quỳnh
TS Trần Việt Thái nói: “Phán quyết của Tòa phù hợp với lợi ích của Mỹ, nên Washington sẽ hoan nghênh, tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ và thực thi”. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS có thể coi là bước tiến về mặt khoa học pháp lý đối với nhân loại, góp phần hạn chế phạm vi, quy mô tranh chấp trên biển Đông. 

Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao, khi chia sẻ quan điểm cá nhân với PV Tiền Phong ngày 12/7 về kết quả vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ông bình luận gì về phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hôm 12/7?

Về tổng thể, phán quyết của Tòa rất tích cực. Có thể nói đây là thắng lợi gần như tuyệt đối cho Philippines. Có rất nhiều điểm trong phán quyết phù hợp với quan điểm, lập trường của Việt Nam. 

Thứ nhất, Tòa tuyên bố “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý và bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên trong phạm vi của “đường lưỡi bò”. 

Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Tòa đưa ra bộ tiêu chí hết sức chi tiết để xác định thế nào là đảo, thế nào là đá, thế nào là bãi nửa nổi nửa chìm. Từ góc độ khoa học, đây là bước tiến của nhân loại về mặt pháp lý và có ý nghĩa rất lâu dài trên phạm vi toàn cầu, là cơ sở để sau này những quốc gia có chủ quyền không chỉ ở khu vực biển Đông mà trên toàn cầu làm rõ quy chế pháp lý đối với các cấu trúc trên biển. 

Tòa cũng đánh giá tính pháp lý của những hành động của Trung Quốc trên biển, những vi phạm của Trung Quốc đối với môi trường biển và làm gia tăng tranh chấp.

Về tổng thể, phán quyết này là tích cực, làm sáng tỏ nhiều điều, nhất là về quy chế pháp lý, góp phần giảm thiểu và hạn chế phạm vi, quy mô tranh chấp trên biển Đông. Đó là một bước tiến, nhất là về mặt khoa học pháp lý, đối với nhân loại. Tôi nghĩ đó là phán quyết đáng hoan nghênh. Phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản ánh đúng thực tiễn của
phán quyết.

Kết quả này với Philippines và Trung Quốc đã được dự liệu từ trước. Có chăng một chút bất ngờ là mức độ thắng lợi rất cao đối với Philippines. Tôi nghĩ điều này phản ánh tính khách quan của Tòa, với phán quyết rất sát với tình hình biển Đông. Tòa đã làm việc hợp thức, khoa học, đưa ra những lập luận, căn cứ rất vững chắc.

Ông dự đoán thế nào về cách phản ứng của Mỹ và Trung Quốc sau phán quyết?

Có nhiều khía cạnh cần đề cập để nói về cách phản ứng của Trung Quốc và Mỹ sau phán quyết, như trong quan hệ Trung Quốc - Philipines, Mỹ - Philippines, tình hình trên thực địa…Tựu trung, phản ứng của Trung Quốc phụ thuộc vào một số yếu tố. 

Thứ nhất, phụ thuộc vào chính sách, cách đối xử của chính phủ mới ở Philippines. Thứ hai, diễn biến thực tế trên biển Đông. Thứ ba, sự can dự của các nước ngoài khu vực như Mỹ hay Nhật… Cho đến hôm qua, Trung Quốc đã có hành động rất khiêu khích, như thử nghiệm máy bay trên sân bay họ mới khánh thành trên biển Đông. 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tiếp tục đưa ra tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế. Nhưng tình hình trên biển như thế nào còn phải đợi thực tiễn để theo dõi thêm. Tôi hy vọng tất cả các bên sẽ kiềm chế và có biện pháp phù hợp để duy trì hòa bình và ổn định.

Phù hợp lập trường của Việt Nam

Theo ông, Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ phán quyết này?

Nếu nhìn vào Tuyên bố lập trường của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi lên Tòa trọng tài vào ngày 5/12/2014 với 8 nội dung, tôi thấy nổi lên 4 điểm. Thứ nhất, Việt Nam khẳng định quan điểm phản đối và bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông dựa trên “đường lưỡi bò”. 

Điều này phù hợp với phán quyết của tòa. Thứ hai, tại điểm 6 của Tuyên bố, Việt Nam khẳng định quan điểm của mình rằng, tất cả những cấu trúc như Philipines nêu ra chỉ là đá hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm, chứ không phải đảo. Phán quyết của Tòa khẳng định tất cả các cấu trúc ở Trường Sa, kể cả Ba Bình, đều không phải đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế. Phán quyết của Tòa rất phù hợp với quan điểm, lập trường của Việt Nam ở điểm này.

Thứ ba, Việt Nam công nhận thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện. Thứ tư, Việt Nam bảo lưu các quyền giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có việc sử dụng Tòa trọng tài quốc tế. Tôi cho rằng, quan điểm, lập trường mà Việt Nam đưa ra ngày 5/12/2014 mang tính khách quan, và những phán quyết của Tòa cơ bản phù hợp với quan điểm của Việt Nam và phản ánh đúng thực tế trên biển. 

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG