Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc

Trung Quốc cảnh báo ngòi nổ chiến tranh từ biển Đông

Tàu khu trục Yuncheng của Trung Quốc phóng tên lửa chống tàu trong cuộc tập trận gần đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Xinhua (đăng ngày 8/7/2016)
Tàu khu trục Yuncheng của Trung Quốc phóng tên lửa chống tàu trong cuộc tập trận gần đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Xinhua (đăng ngày 8/7/2016)
TP - Hôm qua, Trung Quốc cảnh báo các nước đối thủ chớ biến biển Đông thành “nguồn gốc chiến tranh” và đe dọa lập vùng nhận dạng phòng không ở đó, sau khi những đòi hỏi chủ quyền của nước này trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược bị tuyên bố là vô căn cứ.

Giới quan sát quốc tế nhận định, phán quyết của Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn trở thành vũ khí ngoại giao mạnh mẽ cho Philippines và các nước liên quan khác trong những tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ với Trung Quốc trên vùng biển giàu tài nguyên. 

Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ trước quyết định của Tòa hôm 12/7 và tuyên bố họ có “quyền lịch sử” đối với biển Đông, đồng thời tung ra một loạt cảnh báo không che đậy nhằm vào Mỹ và các quốc gia liên quan khác.

Lý sự cùn

“Đừng biến biển Đông trở thành nguồn gốc chiến tranh”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 13/7 tuyên bố với các phóng viên tại Bắc Kinh. Ông này cũng gọi phán quyết của Tòa “chỉ là giấy lộn”.

 Ông Lưu còn nói rằng, Trung Quốc có quyền lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, nhằm tạo cho quân đội Trung Quốc quyền kiểm soát các máy bay nước ngoài. Tiếp tục kiểu nói như thể Trung Quốc là nạn nhân, ông Lưu tuyên bố, việc Trung Quốc có lập ADIZ trên biển Đông hay không “phụ thuộc vào mức độ đe dọa nhằm vào chúng tôi”, Xinhua đưa tin. “Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác không lợi dụng cơ hội để tống tiền Trung Quốc”, ông Lưu nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn tiếp tục tấn công vào các thẩm phán của Tòa Trọng tài khi nói rằng, không ai trong số các trọng tài viên là người châu Á, nên họ có thể không hiểu vấn đề và việc họ phân xử vụ kiện là “không công bằng”. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng lý sự kiểu như vậy. “Nó (phán quyết) chắc chắn sẽ làm tăng tranh giành và thậm chí đối đầu”, ông Thôi nói tại Washington hôm 12/7. 

Trong khi đó, People’s Daily (Nhân dân nhật báo) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua tuyên bố Trung Quốc đã chuẩn bị “mọi biện pháp cần thiết” để “bảo vệ quyền lợi của mình”. Chứng minh thêm cho sự cự tuyệt kết quả vụ kiện, báo chí nhà nước Trung Quốc hôm qua đưa tin, 2 sân bay mới của họ trên đá Vành Khăn và Xu Bi đều vừa tiếp nhận các chuyến bay thử nghiệm. Ngày 12/7, một chiếc Cessna CE-680 của Trung tâm Kiểm tra bay của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc bay giữa hai sân bay, Xinhua đưa tin.

“Rộng lượng trong chiến thắng”

Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn để lắp đặt thiết bị quân sự và xây đường băng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong phán quyết đưa ra hôm 12/7, Tòa Trọng tài kết luận, hành động xây dựng đảo nhân tạo, chặn ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough là vi phạm pháp luật.

Philippines dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte không ăn mừng vì phán quyết được cho là thắng lợi lớn đối với họ. “Chúng ta phải rộng lượng trong chiến thắng”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo giới hôm 13/7. “Trong những vấn đề rất tế nhị như thế này, các bạn không nên viết những bài báo khiêu khích. Chúng tôi thúc giục mọi người, trong đó có Trung Quốc, kiềm chế và chừng mực”, ông Yasay nói.

 Còn Tổng thống Duterte nhắc lại rằng, ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và ông sẽ tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc cho các dự án hạ tầng lớn như một tuyến đường sắt cho khu vực phía nam nghèo khó của Philippines. Ông Duterte cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử với các quốc gia liên quan trên biển Đông. Trung Quốc từ lâu đã muốn thương lượng song phương. Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, đàm phán sẽ là khả năng dễ xảy ra hơn xung đột.

“Phán quyết có thể trở thành nền tảng để chúng tôi bắt đầu quá trình đàm phán và hy vọng cuối cùng có thể dẫn đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông”, ông Charles Jose, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines, nói hôm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông đã bàn bạc với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter trước khi có phán quyết, và ông Carter nói Trung Quốc đã bảo đảm với Mỹ rằng họ sẽ kiềm chế, Mỹ cũng bảo đảm như vậy. Ông Carter muốn Philippines cam kết tương tự, Bộ trưởng Lorenzana nói.

Nhiều nước tập trận

Một trong những luật sư tham gia vụ kiện của Philippines cho rằng, quá trình Philippines thúc đẩy việc thực thi phán quyết sẽ rất phức tạp. “Không có lịch trình nào cho cuộc chơi này. Đó có thể là thai kỳ dài hơn bình thường”, cựu Tổng chưởng lý Florin Ternal Hilbay nói. “Theo tôi, các nhà ngoại giao của chúng tôi đã đọc phán quyết và hiểu tính phức tạp cũng như kết quả của việc thực thi quyết định”, ông Hilbay nhận định. 

Hãng phân tích chiến lược Stratfor cho rằng, các ngư dân Trung Quốc hoặc Philippines sẽ là lực lượng có khả năng gây phức tạp nhiều nhất ở khu vực, vượt ngoài khả năng kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật. “Cuộc tranh đấu lớn nhất của cả hai nước sẽ là việc kiềm chế những lực lượng này, tốt hơn là trước khi họ ra biển, vì họ có thể phá vỡ hòa bình mong manh”, Stratfor nhận định.

Hôm qua, lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Philippines tham gia cuộc tập trận ứng cứu y tế và cứu hộ giả định trên vịnh Manila, trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực tăng cường năng lực bảo đảm an ninh trên biển, chống tội phạm và cướp biển. Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển Đông vẫn tiếp tục. Trung Quốc tổ chức tập trận trên vùng biển phía bắc ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong khi đó, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông báo họ đã triển khai một tàu sân bay đến hỗ trợ an ninh ở khu vực.

Ngày 13/7, Đài Loan (Trung Quốc) đưa một tàu chiến ra biển Đông để bảo vệ đòi hỏi chủ quyền của mình. Khi đến thăm một tàu khu trục đang làm nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông, lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, hôm qua tuyên bố sẽ bảo vệ “chủ quyền” của họ đối với đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

Indonesia cũng thông báo sẽ gia tăng bảo đảm an ninh quanh các đảo của họ trên vùng biển họ tuyên bố chủ quyền, sau khi xảy ra nhiều vụ va chạm với tàu Trung Quốc thời gian gần đây. Malaysia, nước cũng có tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo nhỏ ở Trường Sa, kêu gọi các bên kiềm chế và tránh dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên vùng biển tranh chấp.

Ngày 13/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn tin tưởng vào Tòa Trọng tài và tiến trình vụ Philippines kiện Trung Quốc, hy vọng phán quyết của Tòa sẽ tạo thêm động lực cho việc tìm kiếm giải pháp đối với tranh chấp trên biển Đông, AP đưa tin. EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Ông Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, cho biết, EU kêu gọi tất cả các bên tôn trọng quyết định pháp lý.

Tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 diễn ra ở Mỹ hôm 12/7, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ) thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, CNN đưa tin. Trong khi đó, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink tuyên bố, Washington ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, trong đó có cơ chế trọng tài quốc tế.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.