Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tiếp Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (thăm Việt Nam từ ngày 11 đến 13/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tuyên bố từ Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 tại Nhật Bản đối với vấn đề biển Đông vì mục tiêu chung là bảo đảm tự do hàng hải, tự do hàng không, không thực hiện các hành động gây căng thẳng trong khu vực, trái với quy định của luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Chính phủ Anh cần quan tâm hơn nữa, đồng thời thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) có tiếng nói mạnh mẽ, yêu cầu các bên có tranh chấp trên biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, đặc biệt là ngừng ngay việc xây dựng các đảo nhân tạo, chấm dứt quân sự hóa ở biển Đông, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng 12/4 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định, Anh cũng có lợi ích quốc gia to lớn trong việc duy trì ổn định và an ninh ở khu vực châu Á - Thái
Bình Dương.
“Tôi xin khẳng định với Chính phủ nước chủ nhà lập trường vững vàng của chúng tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông cần phải được giải quyết dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi khẳng định quan điểm của chúng tôi là các bên liên quan không được đe dọa hay sử dụng vũ lực, có hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự hay vũ khí quân sự tại các vùng biển tranh chấp”, ông Hammond nói.
Hỗ trợ tài chính cho Việt Nam
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tại cuộc hội đàm, ông và Ngoại trưởng Anh đã trao đổi và thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu.
Ông Hammond nói rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU tạo ra những cơ hội to lớn để tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh. Để nắm bắt được những lợi ích của việc hội nhập kinh tế toàn cầu và duy trì tốc độ phát triển vượt bậc trong 25 năm qua, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chương trình cải cách toàn diện, sâu rộng, còn Vương quốc Anh cần tiếp tục hỗ trợ quá trình này.
“Tôi rất vui mừng thông báo Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực, trong đó có Việt Nam, để hình thành môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, trên cơ sở tôn trọng pháp quyền, quyền con người...”, ông Hammond nói.
Tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết, Chính phủ Anh có nguồn tài chính dự trữ khoảng 500 triệu bảng Anh dành cho xuất khẩu, nguồn vốn này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tài chính này.
Ngoại trưởng Anh cho biết, chiều qua, ông đến thăm một dự án nghiên cứu về nhiên liệu sinh học. Đây là ví dụ về sự hợp tác khoa học hiệu quả mà phía Anh đang hỗ trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Newton của Vương quốc Anh. Hai bên cũng đã thảo luận những bước tiếp theo của việc thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam - Anh quốc tại Đà Nẵng.
Về hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn Ngoại trưởng Anh cho biết sẽ xem xét thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án cụ thể sử dụng Quỹ Thịnh vượng mới của Chính phủ Anh để khắc phục các hệ quả của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang bị hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Ngoại trưởng Hammond cũng hoan nghênh Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã vào cuối năm nay.