Căng thẳng biển Đông phủ bóng thượng đỉnh hạt nhân

Lính hải quân Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Lính hải quân Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
TP - Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân lần thứ tư, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua gặp gỡ song phương, công khai thừa nhận bất đồng hiện nay về vấn đề tranh chấp trên biển Đông.

Mở đầu cuộc gặp tại thủ đô Washington, với sự có mặt của các phóng viên, Tổng thống Obama nói rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ “trao đổi một cách thẳng thắn về các lĩnh vực mà hai bên có sự khác biệt đáng kể”, bao gồm vấn đề biển và an ninh mạng. “Giống Trung Quốc và các nước khác, Mỹ có những lợi ích đáng kể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Obama nói.

Ông Tập đáp rằng, Trung Quốc có “một số tranh cãi và bất đồng” với Mỹ. “Chúng ta nên quản lý chúng theo cách có tính xây dựng, tránh hiểu lầm hoặc leo thang và ngăn những đổ vỡ lớn đối với lợi ích tổng thể của hợp tác Trung-Mỹ”, ông Tập nói.

Không đáng tin

Hồi tháng 9 năm ngoái, tại Nhà Trắng, ông Tập cam kết với ông Obama rằng, sẽ không theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa trên biển Đông mà trước đó Trung Quốc xây dựng các sân bay, tòa nhà có khả năng cung cấp nơi ăn chốn ở cho lực lượng quân sự ở các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, từ khi lời cam kết đó được đưa ra, Trung Quốc liên tục có động thái ngược lại trên thực địa, như lắp đặt hệ thống radar quân sự, tên lửa đất đối không… trên các bãi đá được bồi đắp phi pháp để trở thành đảo nhân tạo.

Phó chủ tịch Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ), ông Douglas Paal, cho rằng, điều đó cho thấy “sự không đáng tin của Trung Quốc”. “Đâu là ngưỡng giới hạn trong suy nghĩ của ông Tập về việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa? Triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, hỏa tiễn chống hạm, lực lượng đổ bộ hay điều gì khác?”, ông Paal nói. Hôm qua, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói: “Chúng tôi đã thấy sự triển khai. Chúng không nhất quán với cam kết không quân sự hóa biển Đông”.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mỹ luôn nói rằng, việc tuần tra tự do hàng hải phù hợp luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp Tổng thống Obama ở Washington hôm qua, ông Tập nói rằng, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ hành động nào của Mỹ “núp dưới chiêu bài tự do hàng hải”, vi phạm chủ quyền, làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông và đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, ông Tập nói. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở biển Đông, đồng thời tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các bên liên quan thông qua tham vấn và thương lượng trực tiếp, ông Tập nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 30/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Work nói rằng, Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ “vùng đặc quyền” (vùng nhận diện phòng không) nào mà Trung Quốc tự tuyên bố áp dụng trên biển Đông; Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, đó sẽ là hành động “gây mất ổn định” không thể chấp nhận, ông Work nói.

Căng thẳng biển Đông phủ bóng thượng đỉnh hạt nhân ảnh 1

Trung Quốc vừa ngang nhiên thử tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Ảnh: CCTV.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngoài bất đồng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, Mỹ và Trung Quốc cũng có quan điểm khác biệt về an ninh mạng, sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, ông Obama và ông Tập hôm qua nhất trí về việc gia tăng nỗ lực đối phó nguy cơ hạt nhân đến từ CHDCND Triều Tiên. “Chủ tịch Tập và tôi đều cam kết đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi thảo luận cách thức ngăn cản các hành động như thử tên lửa hạt nhân làm gia tăng căng thẳng, vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”, Tổng thống Obama nói.

Quân đội Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên ngày 1/4 phóng một quả tên lửa ra biển từ bờ biển phía đông của nước này. Cùng ngày, ông So Se Pyong, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, nói rằng, nước ông sẽ theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình để kháng cự Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Ông cho rằng, tình trạng “chiến tranh một nửa” hiện đã tồn tại trên bán đảo Triều Tiên. “Nếu Mỹ tiếp tục (tập trận chung với Hàn Quốc), chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đối phó. Vì vậy, chúng tôi phải phát triển, phải tăng cường răn đe, răn đe hạt nhân. Chính sách của đất nước, của đảng chúng tôi là đồng thời sản xuất hạt nhân và phát triển kinh tế”, ông So Se Pyong nói.

Đại sứ So Se Pyong nói ông không có thông tin về vụ bắn tên lửa mới nhất và vụ Hàn Quốc hôm qua cáo buộc Triều Tiên làm nhiễu tín hiệu định vị toàn cầu GPS khiến nhiều tàu cá Hàn Quốc phải quay vào bờ. “Họ (Seoul) đang tạo ra quá nhiều sự dàn dựng, quá nhiều báo cáo sai”, ông nhận định. Về triển vọng nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông cho rằng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không còn được Bình Nhưỡng bàn tới. “Nếu Mỹ dừng chính sách thù địch với Triều Tiên và ký kết hiệp ước hòa bình thì có thể sẽ khác”, ông nói. 

Hôm qua, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân lần thứ tư ở Washington, Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để nước này ngừng thử tên lửa, thử hạt nhân. Ba nhà lãnh đạo cảnh báo rằng, họ có thể áp dụng những biện pháp mới để đối phó nguy cơ từ Bình Nhưỡng.

Ngày 1/4, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Bắc Kinh giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời duy trì hoạt động tự do đi lại trong khu vực.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.