Mỹ không chấp nhận ADIZ ở biển Đông

Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên biển Đông
Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên biển Đông
TP - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Work hôm 30/3 bày tỏ lo ngại khi tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vài tuần tới sẽ thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. 

Ông Work nói rằng, Mỹ sẽ coi bước đi đó là hành động “gây mất ổn định” và sẽ không thừa nhận một vùng đặc quyền trên biển Đông, giống như việc họ không thừa nhận ADIZ Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông.

Khi được hỏi về phát biểu này, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun hôm qua nói rằng, bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào đều có quyền lập một ADIZ. 

“Việc có hay khi nào chúng tôi lập ADIZ phụ thuộc việc có nguy cơ từ trên không hay không hoặc mức độ đe dọa từ trên không như thế nào”, Reuters dẫn lời ông Yang. 

Ông này nói rằng, thỏa thuận đạt được trong tháng 3 giữa Mỹ và Philippines nhằm cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại 5 căn cứ của Philippines phản ánh “tư tưởng Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời mà Mỹ nên từ bỏ”.

Trung Quốc biện minh

Một nhà ngoại giao Singapore cho rằng, biển Đông là vấn đề sống còn với Trung Quốc. Trong bài giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Singapore, Đại sứ lưu động, Cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, ông Bilahari Kausikan, nói: “Nếu tôi đúng khi nói rằng vấn đề biển Đông liên quan tính chính danh của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì đó là một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc”, báo Today của Singapore dẫn lời ông Kausikan.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này nói rằng, những năm gần đây, Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn trong việc thực thi cái mà họ coi là quyền trong nước trên các vùng biển tranh chấp, bao gồm chương trình đầy tham vọng để bồi đắp, cải tạo các bãi đá, đưa vũ khí, khí tài quân sự lên đó, gây áp lực lớn với nhiều nước Đông Nam Á.

Trong khi đó, Washington xác định lợi ích của họ theo kiểu duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, nhưng đó không phải là thứ “Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá”, ông Kausikan nhận định. 

Theo ông, khi Mỹ chưa tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thì nước này có thể thực hiện các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải dựa trên tính toán lợi ích quốc gia của họ, nhưng đó không phải là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. 

Theo ông Kausikan, Trung Quốc không ngừng ngụy biện rằng, các đảo nhân tạo không quan trọng về mặt quân sự, mà sự hiện diện của Mỹ trên biển Đông là hệ quả của một tính toán địa chính trị. 

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn thường gây sức ép để các thành viên ASEAN không nêu vấn đề biển Đông tại các diễn đàn hoặc không ủng hộ các nước làm như vậy. 

Quá trình tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc gần như không tiến triển gì vì các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên dùng nó làm con tin để ASEAN không làm những điều khiến Bắc Kinh phật lòng. Nhưng các nước ASEAN đã bắt đầu phản kháng lại sự hung hăng của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng, những hành động của họ đã làm suy giảm lòng tin.

Dù cái giá phải trả trong quan hệ với ASEAN là gì vẫn không cao bằng lợi ích của Trung Quốc, khi lãnh đạo nước này dùng lịch sử để biện minh cho sự lãnh đạo và các tuyên bố chủ quyền của họ. 

“Trong thế kỷ qua, tính chính danh của bất kỳ chính phủ Trung Quốc nào cũng phụ thuộc vào khả năng bảo vệ chủ quyền và duy trì biên giới quốc gia mà họ tuyên bố”, ông Kausikan nói. 

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, Trung Quốc đang trong quá trình phấn đấu trở thành cường quốc biển và “có lẽ điều không thể tránh khỏi là một cán cân hải quân cân bằng hơn” giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Khi điều  này xảy ra, chúng ta không nên mặc định rằng, mô thức hoạt động mà Trung Quốc đạt được ở Đông Nam Á nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của ASEAN, trong bối cảnh các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông căn bản không đối xứng”, ông nhận định.

Nhà ngoại giao Singapore cho rằng, rất khó để ứng xử với sự cạnh tranh Mỹ - Trung, nhưng các nước nhỏ vẫn còn dư địa để hoạt động. “Đối phó sự thỏa hiệp Mỹ - Trung có thể khó chịu hơn nhiều. Khi đó sẽ còn rất ít không gian để cựa quậy, và khi các cường quốc lớn bắt tay nhau, họ thường khiến các nước nhỏ phải trả giá”, ông Kausikan nói.

Ông cho rằng, khả năng Mỹ - Trung thông đồng không phải điều ảo tưởng, mà bài học để lại là tại Hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia do Liên Hợp Quốc tổ chức năm 1981, Mỹ đứng về phía Trung Quốc để chống lại ASEAN trong vấn đề có nên để Khmer Đỏ quay lại nắm quyền hay không.

Việt Nam theo dõi giàn khoan Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 31/3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông báo của Trung Quốc, khu vực giàn khoan Hải Dương 943 đang hoạt động ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là khu vực Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang đàm phán phân định. 

Vì thế, “các bên liên quan cần tránh những hành động đơn phương, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình phân định. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”, bà Hằng nói. 

Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan Hải Dương 943 của nước này khoan thăm dò ở biển Đông từ 25/3 đến 31/7.

MỚI - NÓNG