6 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên dân tộc bị... bỏ quên?

Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn thiếu... tiền từ Bộ Tài chính
Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn thiếu... tiền từ Bộ Tài chính
TP - Ba học kỳ trôi qua, hàng trăm sinh viên dân tộc nghèo và cận nghèo tại trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ chính sách. Tổng số tiền chính sách trường đang “nợ” sinh viên lên tới gần 6 tỷ đồng.

Tiền Phong nhận được phản ánh của 159 sinh viên dân tộc thuộc diện nghèo và cận nghèo tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội về một khoản hỗ trợ từ nhà trường. Khoản tiền này lẽ ra các em đã phải nhận được từ lâu, nhưng đã 3 học kỳ nay, danh sách được lập vẫn chỉ là tờ giấy.

Trước đó, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66 về: “Hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học”. Cụ thể, hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục Đại học. 

Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này được cân đối trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Sau khi quyết định được ban hành, nhiều trường đại học đã thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, vẫn chưa sinh viên nào được hưởng chính sách này.

Em H.N (sinh viên năm cuối) cho biết, gia đình thuộc diện nghèo của xã, lo được cho con ra Hà Nội để học hành đã là “kỳ tích”. Phần sinh hoạt, học tập, em hoàn toàn tự làm thêm để trang trải. Nên khi biết có chính sách hỗ trợ gần 3 triệu đồng/ học kỳ, em cùng các bạn khác rất mừng. “Nhưng chờ mãi, qua 3 kỳ học mà tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu”, em H.N nói.

 Sinh viên L.T.N (dân tộc Tày) băn khoăn vì trường đã gửi cả thông báo, hướng dẫn, mẫu đơn hỗ trợ đến các sinh viên thuộc diện chính sách. “Kỳ nghỉ hè nhà trường đã hướng dẫn bọn em về để thực hiện các quy định như xin giấy xác nhận hộ nghèo, thành phần dân tộc. Nhưng 3 lần nộp cả 3 lần đều không thấy hồi âm”, em L.T.N bức xúc.

Việc xin xác nhận tưởng chừng đơn giản, nhưng cũng là một việc rất mệt mỏi đối với các thôn khó khăn miền núi. Em G. (dân tộc Dao, tại Hà Giang) cho biết, nhà ở thôn xa 20 km với UBND xã. Con đường tới xã thì chỉ có 10km đường đi được xe máy, còn lại là đường đất trơn tuột do mưa sạt lở.

 Đi bộ từ nhà đến xã mất non nửa ngày, may mắn gặp chủ tịch hoặc phó chủ tịch ở ủy ban thì được lấy xác nhận ngay. Nếu không lại phải chờ hôm sau quay lại. Nhiều giấy tờ còn phải lên huyện để xác nhận, nên mỗi đợt, để hoàn thành thủ tục, cũng mất 3- 4 ngày trèo đèo lội suối.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Đinh Văn Hường, Trưởng Ban Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Trường luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, quyết định, chế độ chính sách cho sinh viên. 

Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội  thông tin, Quyết định 66/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngay khi ban hành đã được Ban lãnh đạo nhà trường chỉ đạo tới 6 trường trực thuộc, trong đó có trường Đại học KHXH&NV. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tới đâu thì ông Hường chưa nắm được.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên trường ĐH KHXH&NV cho biết: Trong 6 khối trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì trường KHXH&NV là một trong những trường có đông đối tượng sinh viên thuộc diện hưởng hỗ trợ này. 

Để có sự hỗ trợ kịp thời cho các em, nhà trường đã liên tục hoàn thành thủ tục hồ sơ, tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chưa chuyển tiền về cho trường nên trong suốt 3 học kỳ qua các em thuộc đối tượng này đều chưa có tiền để chi trả.

Theo chính sách hỗ trợ này, hiện nay trường đang “nợ” của các em sinh viên gần 6 tỷ đồng. “Hiện nay đã có sinh viên thuộc diện này ra trường và không có cơ hội để hưởng những ưu việt của quyết định này”, ông Liệu nói.  

Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, việc cung cấp ngân sách cho các trường Đại học đã và đang được Bộ này thực hiện đầy đủ. Lý giải về việc một số trường Đại học hiện vẫn nợ khoản tiền không nhỏ dành cho sinh viên, ông Trường cho rằng, nguyên nhân có thể do các trường chưa gửi văn bản theo yêu cầu, như vậy thì Bộ chưa thể có căn cứ để triển khai ngân sách hỗ trợ.

MỚI - NÓNG