1 triệu ha lúa chất lượng cao có thể tăng lợi nhuận 16.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 30/10, tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đề án “Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được quốc tế thống nhất cao và ủng hộ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cân đối một phần xuất khẩu (XK), đẩy mạnh liên kết sản xuất để đảm bảo được giá thành.

Trước đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ công tác Ả Rập Xê Út, ông Nam cho biết ngoài các thị trường truyền thống thì hiện nay các nước khác cũng đang cần gạo của Việt Nam, riêng Ả Rập Xê Út đang rất cần ký kết.

“Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xem xét kiến nghị của Ả Rập Xê Út, đồng thời nhắc phải đảm bảo an ninh lương thực. Tôi cũng trao đổi và Thủ tướng cũng đồng ý rằng cái chính bây giờ là làm sao thực hiện tốt liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo giá bình ổn” - Thứ trưởng Nam cho hay.

Nói về đề án “Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến đề án sẽ được phê duyệt trong đầu tháng 11 tới, sau đó, ngay trong tháng 11, sẽ triển khai vụ Đông Xuân 2023-2024 với diện tích 180.000 ha.

1 triệu ha lúa chất lượng cao có thể tăng lợi nhuận 16.000 tỷ đồng ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Theo ông Nam, vừa qua tại hội nghị lúa gạo quốc tế do Viện Lúa quốc tế tổ chức, khi đại diện Việt Nam trình bày đề án này, các đại biểu quốc tế đều thống nhất và ủng hộ đề án, đây là dự án đầu tiên trên thế giới về giảm phát thải. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và cả ở New York đều khẳng định hỗ trợ Việt Nam.

“Cách đây 2 tuần Giám đốc WB tại Việt Nam cam kết, trước hết hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ các-bon, thứ hai là hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng lúa sản xuất giảm phát thải.

Đây là những tín hiệu rất mừng, không chỉ WB mà các tổ chức quốc tế khác cũng tham gia vào đề án, có thể mở ra một hướng mới cho các DN tham gia vào chuỗi liên kết, đầu tư vào dự án. Tổ chức tài chính của WB cũng đồng ý sẽ có cơ chế cho vay đối với các DN đầu tư vào dự án, tất nhiên là phải có điều kiện, tiêu chí khi tham gia…” - ông Nam nói.

Xu hướng giảm phát thải không chỉ đối với sản xuất lúa mà đối với cả thủy sản, trái cây, không lâu nữa thế giới sẽ có thương hiệu về giảm phát thải. Hiện nay châu Âu đã bắt đầu có những giải pháp như một số sản phẩm vào thị trường này phải đóng thuế giảm phát thải, không lâu nữa các sản phẩm vào châu Âu phải có thương hiệu giảm phát thải.

“Chính người nông dân tham gia đề án 1 triệu ha (dự kiến 1 triệu hộ) sẽ hưởng lợi nhuận gia tăng không phải ở sản phẩm từ cây lúa mà chính từ bán thương hiệu giảm phát thải. Rất mong các DN tham gia đề án, là hướng đi mới và đột phá của ĐBSCL đối với nghề trồng lúa, giúp cho bà con, DN có giá trị gia tăng cao hơn” - ông Nam kỳ vọng.

1 triệu ha lúa chất lượng cao có thể tăng lợi nhuận 16.000 tỷ đồng ảnh 2

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL sắp được phê duyệt. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, là DN hoạt động 27 năm trong ngành kinh doanh XK gạo, năm 2010 tiếp cận mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, trung thành với mô hình này và đầu tư bắt đầu từ năm 2012 đến nay.

Theo ông Bình, DN ông chuyên sản xuất lúa chất lượng cao và XK vào thị trường khó tính rất thành công. Chính mô hình cánh đồng mẫu lớn là tiền đề để xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hiện nay.

Dẫn chứng gạo của Công ty Trung An bán 680-690 USD/tấn, thậm chí mới đây nhất bán 700 USD/tấn, ông Bình phân tích, đề án sẽ mang về 13 triệu tấn lúa, tương đương 7 triệu tấn gạo, khi có tín chỉ các-bon, đến năm 2030 gạo Việt Nam giá không thể dưới 800 USD/tấn. Chi phí đầu tư cho 13 triệu tấn lúa tốn khoảng 3 tỷ USD, với 7 tấn gạo bán với giá bán 800 USD/tấn sẽ mang về 5,6 tỷ USD.

“Nếu thực hiện được như đề án thì sẽ thay đổi được đời sống nông dân, kiên trì theo đuổi thì sẽ rất thành công. Chúng tôi đầu tư cho nông dân chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ, kết thúc vụ thanh toán cho nông dân 50-60 triệu đồng/ha. Như vậy là lời 100%, trong vòng 3 tháng, tại sao lời như vậy và chúng tôi làm suốt nhiều năm nay chứ không phải ăn may một năm hai năm” - ông Bình nói và mong muốn các DN nên đầu tư, các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, các ngân hàng nên đồng hành cùng nông nghiệp vùng ĐBSCL trong đó ngành hàng lúa gạo.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu đề ra trong đề án là giảm 20% chi phí sản xuất sẽ góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa). Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất thì sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa, dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu từ bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán. Ước tính nếu trên phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG