Số chuỗi liên kết chỉ chiếm 6% cả nước
Thông tin tại hội thảo cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị định 98/2018, ở nhiều địa phương trong cả nước, nhiều ngành hàng sản phẩm nông nghiệp đã hình thành các chuỗi liên kết bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản đã hình thành.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK. |
Tuy nhiên, ĐBSCL lại là vùng có tỷ lệ triển khai liên kết theo Nghị định 98 thấp so với cả nước. Cụ thể, cả nước hiện nay có 2.146 liên kết, nhưng vùng ĐBSCL chỉ có 129 chuỗi, chiếm khoảng 6%. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước phê duyệt hỗ trợ liên kết là trên 321 tỷ đồng, tương đương bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/chuỗi liên kết, chỉ bằng 8,5% cả nước.
Theo đánh giá, việc triển khai Nghị định 98 ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn nhiều địa phương trong vùng sau 5 năm triển khai Nghị định 98 thậm chí chưa có bất kỳ dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt...
Ông Nguyễn Hoàng Minh Tâm - giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT - cho biết, công tác tuyên truyền của một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Nghị quyết của HĐND một số địa phương cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ còn chung chung nên khó thực hiện; khó tìm kiếm doanh nghiệp tham gia dự án...
Về tình trạng "bẻ kèo" trong liên kết tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Hoàng Minh Tâm cho biết, các bên liên kết cần ký hợp đồng nguyên tắc, sau đó từng vụ thu hoạch, sẽ có phụ lục hợp đồng để thống nhất giá cả, hình thức chia sẻ rủi ro và các nội dung cần thiết khác. Các địa phương nên quy định thống nhất chung về nội dung chi, định mức chi, hồ sơ, thủ tục cho dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để các chủ thể dễ áp dụng và giúp chính sách khả thi hơn trên thực tế…
Lúng túng
Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Tiền Giang cho rằng, chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều doanh nghiệp/hợp tác xã (HTX) chưa mặn mà, còn e ngại hoặc không có khả năng đối ứng. Việc đầu tư hạ tầng sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hay nguồn vốn đầu tư phát triển chưa được quy định cụ thể ở Trung ương.
Bên cạnh đó, các nội dung thực hiện như hỗ trợ hạ tầng, giống, vật tư, bao bì… được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu nên có nhiều hồ sơ, trình tự, thủ tục thanh quyết toán phức tạp; chủ đầu tư dự án chưa nắm bắt hoặc không đủ năng lực để thực hiện nên còn lúng túng trong triển khai...
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK. |
Theo ông Nguyễn Minh Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Cần Thơ, công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định 98 còn nhiều khó khăn do đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa nắm rõ được nội dung. Nông dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững.
Về chính sách hỗ trợ hạ tầng liên kết, nhà nước hỗ trợ 30%, không quá 10 tỷ đồng, phần còn lại do chủ trì liên kết đối ứng… đối với các HTX làm chủ trì liên kết thì mức đối ứng này quá cao, khó có khả năng thực hiện. Doanh nghiệp và HTX không đủ năng lực tổ chức thực hiện nên còn e ngại khi tham gia chính sách.
Nghị định 98 cũng không quy định rõ trình tự thủ tục đề xuất danh mục dự án/kế hoạch, phê duyệt danh mục dự án/kế hoạch… nên địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Đại diện Sở NN&PTNT Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 ở các nội dung: Về nguồn vốn, bố trí ngân sách riêng để thực hiện chính sách; tăng mức hỗ trợ hạ tầng đối với HTX cho đồng bộ với các chính sách khác về phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Bộ NN&PTNT cần xem xét, có hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục, hồ sơ để thực hiện từng nội dung của chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…