Cần Thơ:

3 nhà đầu tư đang tìm hiểu trung tâm liên kết nông sản nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thành phố Cần Thơ dự kiến huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, có ít nhất 3 nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Trung tâm.

Theo Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cần Thơ, đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (Trung tâm) được thành phố phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Sở KH&ĐT cho biết, dự kiến đề án được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

UBND thành phố Cần Thơ dự kiến bố trí quỹ đất khoảng 250 ha cho Trung tâm trong giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 1). Trong đó, khu 1 diện tích 50 ha tại quận Bình Thủy; khu 2 là 200 ha tại huyện Cờ Đỏ.

3 nhà đầu tư đang tìm hiểu trung tâm liên kết nông sản nghìn tỷ ảnh 1

Vị trí khu 1 của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 7 km.

Về nguồn vốn đầu tư, Sở KH&ĐT Cần Thơ cho biết, dự kiến huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Hiện nay chưa có quy định cụ thể, tuy nhiên qua khảo sát thị trường có thể tạm tính suất vốn đầu tư tại Trung tâm.

Tại khu 1, vốn đầu tư hạ tầng cho mỗi m2 khoảng 4 triệu đồng (chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư 2 triệu đồng/m2; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng 2 triệu đồng/m2 ). Tương ứng vốn đầu tư tại khu 1 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Còn tại khu 2, vốn đầu tư hạ tầng cho mỗi m2 khoảng 2,3 triệu đồng (chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư 0,3 triệu đồng/m2; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng 2 triệu đồng/m2 ). Tương ứng vốn đầu tư khu 2 khoảng 4.600 tỷ đồng.

Đối với đầu tư nhà xưởng, máy móc…, ước tính 6 triệu đồng/m2, tính trên 60% diện tích đất trung tâm, tương đương 9.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự kiến của Trung tâm khoảng 15.600 tỷ đồng.

Theo Sở KH&ĐT thành phố Cần Thơ, đến nay, đã ghi nhận được ít nhất có 3 nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Trung tâm.

3 nhà đầu tư đang tìm hiểu trung tâm liên kết nông sản nghìn tỷ ảnh 2

Khu 2 của Trung tâm ở huyện Cờ Đỏ, cách trung tâm Cần Thơ khoảng 45 km.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ - cho biết, cùng với việc tham mưu UBND thành phố xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án, Sở NN&PTNT sẽ thực hiện thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách đặc thù mà các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất khi đầu tư vào Trung tâm.

Nhà đầu tư tham gia vào Trung tâm cũng sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ như chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới…

Theo ông Nhơn, để Trung tâm thật sự trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ cần ưu tiên thu hút các công nghệ mới, công nghệ chuyên sâu có tính dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản.

Cùng với đó, cần kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại đầu mối, đấu giá nông sản với mục đích quảng bá, liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, bán sản phẩm, tham gia đấu giá thu mua nông sản cấp vùng; cung cấp thông tin thương mại, dự báo thị trường, tư vấn hồ sơ pháp lý…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Trung tâm sẽ đóng vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL, với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”.

Ông Trường kỳ vọng, Trung tâm sẽ có đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong…

MỚI - NÓNG