Xung đột Nga - Ukraine ngày 12/9: Ukraine bắn hạ máy bay Su-30SM của Nga trên Biển Đen

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các sĩ quan từ một đơn vị đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga bằng hệ thống phòng không vác vai trong một chiến dịch ở Biển Đen.

Theo DIU, quân đội Nga mất liên lạc với máy bay chiến đấu Su-30SM lúc 5h ngày 11/9. Khoảng ba giờ sau đó, Nga tiến hành chiến dịch tìm kiếm cứu nạn có sự tham gia của máy bay An-26, trực thăng Mi-8 và Ka-27.

Đến chiều cùng ngày, lực lượng Nga phát hiện một vệt nhiên liệu máy bay trên biển, cách Mũi Tarkhankut 70 km về phía tây bắc. Sau đó, họ phát hiện xác máy bay Su-30SM bị bắn rơi.

(Nguồn: Pravda)

Chiếc máy bay bị bắn hạ thuộc về Trung đoàn Hàng không Hải quân Độc lập số 43 của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, đóng tại sân bay Saky ở bán đảo Crimea.

Giá trị của mỗi chiếc Su-30SM là khoảng 50 triệu đô la Mỹ.

Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.

Thiệt hại của quân đội Ukraine ở tỉnh Kursk

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào tỉnh Kursk hôm 6/8, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất ít nhất 7.000 binh sĩ riêng ở thị trấn Sudzha, Thiếu tướng Apty Alaudinov - chỉ huy đơn vị biệt kích Akhmat - nói với Tass.

Tổng cộng, trong chiến dịch ở tỉnh Kursk, Ukraine đã mất hơn 12.200 quân nhân, 96 xe tăng, 42 xe chiến đấu bộ binh, 77 xe bọc thép chở quân, 656 xe chiến đấu bọc thép, 401 xe cơ giới, 90 khẩu pháo, 26 hệ thống phóng loạt (bao gồm bảy hệ thống HIMARS), tám hệ thống tên lửa đất-đối-không, 22 trạm tác chiến điện tử, bảy trạm radar phản pháo, hai hệ thống radar phòng không, tám xe công binh...

Anh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trên đất Nga?

London đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, tờ The Guardian đưa tin.

The Guardian ngày 11/9 trích dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết, quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga đã được đưa ra. Nhưng London chưa công khai thông tin vì lo ngại "bị coi là khiêu khích".

Tờ báo cho rằng Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể sẽ không công khai phát biểu về quyết định này trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào ngày 13/9.

Các bên dự kiến sẽ thảo luận về xung đột ở Ukraine và cách giải quyết. Đồng thời, cuộc thảo luận sẽ xoay quanh các mục tiêu chiến lược của London và Washington. Chuyến thăm của Thủ tướng Starmer sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, và ông không có kế hoạch tổ chức họp báo tại Washington.

Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin đã nói với phóng viên hãng thông tấn Tass vào cuối tháng 6, rằng các quan chức Anh cố tình tỏ ra mơ hồ về vấn đề quân đội Ukraine có được phép sử dụng tên lửa của Anh để tấn công lãnh thổ Nga hay không.

Ngày 10/7, Bloomberg đưa tin Thủ tướng Starmer đã công nhận quyền của Ukraine trong việc sử dụng Storm Shadow để tấn công lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, tờ Daily Telegraph cho biết, bộ chỉ huy quân sự Anh coi tuyên bố này là không phù hợp, nói thêm rằng ông Starmer đã đi quá xa khi thừa nhận điều này một cách công khai. Các quan chức cấp cao của Anh cho rằng, những tuyên bố như vậy nên được giữ bí mật cho đến khi chúng được thực hiện.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Mỹ và Anh sẽ sớm cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Washington và London cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong cuộc họp báo tại Kiev hôm 11/9 với Ngoại trưởng Anh David Lammy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington "ngay từ ngày đầu tiên" đã sẵn sàng điều chỉnh chính sách của mình khi tình hình trên chiến trường ở Ukraine thay đổi. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông nhấn mạnh.

Storm Shadow/SCALP là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không do Anh và Pháp phát triển. Tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng có giá trị cao, bao gồm căn cứ không quân, hệ thống radar, trung tâm liên lạc và các tài sản chiến lược khác.

Ảnh vệ tinh hé lộ tàu của Iran cập cảng ở Nga

Thiết bị vệ tinh đã chụp được hình ảnh một tàu chở hàng từ Iran đang neo đậu tại một khu cảng của Nga cách đây một tuần.

Một nguồn tin từ Ukraine nói với Sky News, rằng tàu Port Olya 3 (treo cờ Nga) đã vận chuyển hàng từ Iran qua Biển Caspi đến Nga.

Nguồn tin cho biết, con tàu cập cảng Nga hôm 4/9. Hình ảnh vệ tinh mà Sky News thu thập được cũng cho thấy cảnh tàu Port Olya 3 neo đậu tại khu vực Astrakhan, miền nam nước Nga, gần Biển Caspi. Trong khi sáu ngày trước đó, 29/8, con tàu đã đậu trong cảng Amirabad của Iran.

Sau khi đến Nga, hàng hoá đã được chất từ tàu Port Olya 3 lên một đoàn tàu chở hàng lớn, theo nguồn tin từ Ukraine. Không rõ số hàng này được đưa đến đâu.

Hai ngày sau, một hình ảnh vệ tinh khác cho thấy con tàu đã rời cảng.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 12/9: Ukraine bắn hạ máy bay Su-30SM của Nga trên Biển Đen ảnh 1

Hình ảnh tàu Port Olya 3 cập cảng ở Nga. (Ảnh: Maxar)

Xung đột Nga - Ukraine ngày 12/9: Ukraine bắn hạ máy bay Su-30SM của Nga trên Biển Đen ảnh 2

(Ảnh: Maxar)

Theo Sky News, dữ liệu theo dõi cho thấy tàu Port Olya 3 thường xuyên di chuyển giữa Nga và Iran. Tờ báo này cũng cho biết, trên thực tế, có nhiều con tàu đã tắt chức năng định vị để che giấu hoạt động của mình. "Trên Biển Caspi, những con tàu 'không thể theo dõi' đã trở nên phổ biến hơn", tờ Sky News viết.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 12/9: Ukraine bắn hạ máy bay Su-30SM của Nga trên Biển Đen ảnh 3
Lộ trình được cho là của tàu Port Olya 3. (Ảnh: Sky News)

Những thông tin này được tiết lộ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết hôm 10/9, rằng Mỹ tin Nga đã nhận được tên lửa Fatah-360.

Iran và Nga đã phủ nhận các cáo buộc này.

Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết hôm 11/9, rằng Tehran không chuyển bất kỳ tên lửa nào cho Nga. Và lệnh trừng phạt do Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức áp đặt đối với Iran không phải là giải pháp phù hợp. Lệnh trừng phạt có liên quan đến một số tàu chở hàng bị cáo buộc có liên quan đến việc vận chuyển vũ khí từ Iran đến Nga.

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG