Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết, trong tháng 10 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu của cả ngành ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ngược dòng ấn tượng, thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp khi có thời điểm kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ở mức hai con số.
Theo Bộ NN&PTNT, đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, nhóm thuỷ sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.
Đáng chú ý, nhóm nông sản đạt gần 22 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước. Trong đó, các mặt hàng rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng gần 80%; gạo đạt gần 4 tỷ USD, tăng khoảng 35%; hạt điều gần 3 tỷ USD, tăng khoảng 15% và sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.
Xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục, giúp ngành rau quả đạt 4,9 tỷ USD. |
Về thị trường, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Tính đến hết tháng 10, toàn ngành xuất siêu 9,3 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến thời điểm này ngành nông nghiệp tự tin đạt mục tiêu 53-54 tỷ USD, bằng với con số kỷ lục của năm ngoái.
Trong hai tháng cuối năm, để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, liên minh kinh tế Á - Âu...
"Bộ cũng phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các các FTAs, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, kết nối tiêu thụ một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch như vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh...", Thứ trưởng Tiến cho hay.