Xôn xao clip thu tôm của người bán hàng rong Sầm Sơn

Cán bộ đội trật tự cầm rổ tôm tít đưa ra xe trước sự chứng kiến của rất nhiều khách du lịch
Cán bộ đội trật tự cầm rổ tôm tít đưa ra xe trước sự chứng kiến của rất nhiều khách du lịch
Một đoạn clip trên mạng xã hội về cảnh cán bộ đội trật tự thu tôm tít của một người bán hàng rong tren bãi biển Sầm Sơn mang về trụ sở đang gây xôn xao dư luận địa phương.

Chiều ngày 17/7, trao đổi với Báo Người Lao Động về đoạn clip quay cảnh lực lượng liên ngành địa phương thu giữ hàng của người bán hàng rong ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang gây xôn xao dư luận, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều cho biết đã xem đoạn clip này và hành động đó của lực lượng chức năng là "có thể chấp nhận được".

Xôn xao clip thu tôm của người bán hàng rong Sầm Sơn ảnh 1

Hình ảnh người bán hàng rong cố giữ chậu hải sản khi bị đội trật tự thị xã Sầm Sơn tịch thu. Ảnh cắt từ clip

Trước đó, từ ngày 12/7, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh vài người mặc sắc phục đội trật tự đang giằng lấy chậu tôm tít và ghẹ của một người bán hàng rong trước một nhà hàng ở thị xã Sầm Sơn gây nhiều thông tin trái chiều.   

Trong đoạn clip, người thu giữ có một hành động vừa phải, không hùng hổ mà ăn nói rất điềm đạm. Người này nói với người bán hàng rong sao không mang hàng vào chợ mà bán vì ở đây đã cấm bán hàng rong. Người phụ nữ bán hàng rong van xin được tha, nhưng không những người mặc sắc phụ đội trật tự đồng ý.

Sau cùng thấy người phụ nữ cố giữ số hàng, người mặc sắc phục đội trật tự nói cho người phụ nữ xin số ghẹ còn giao nộp số tôm tít. Chị bán hàng rong sau đó cúi xuống nhặt mớ tôm tít đưa cho những người mặc sắc phục.

Sau khi đoạn video quay cảnh trên được đưa lên mạng xã hội, có nhiều bạn đọc chia sẻ, bình luận (comment)... Nhiều người chỉ trích hành động của những người mặc sắc phục song cũng có không ít người đồng tình và ủng hộ cách làm đó của đội trật tự thị xã Sầm Sơn.

Ông Trịnh Huy Triều cho rằng muốn cho một thị xã Sầm Sơn có hình ảnh đẹp trong lòng du khách, xóa đi những định kiến trước đây về một bãi biển Sầm Sơn xấu xí thì lực lượng chức năng phải mạnh tay hơn với hàng rong. "Chúng tôi sẽ còn tiếp tục mạnh tay hơn nữa để dẹp bỏ vấn nạn này” - ông Triều nói.

Theo ông Triều, việc bán hàng rong đã được thị xã Sầm Sơn đưa ra quy định từ 2 năm trước, vì bán hàng rong làm mất mỹ quan ở khu du lịch, gây phiền hà khó chịu cho du khách. Và điều quan trọng nhất là hàng rong (đồ hải sản), chủ yếu là hàng kém chất lượng, ôi thiu, hàng thải của các nhà hàng.

“Để đánh lừa du khách họ cho hải sản lên bè rồi đi ra biển, sau đó chạy vào bờ nói là hàng mới đánh bắt về, nhiều du khách cứ tưởng thật. Bè bé tý như thế ra ngoài khơi được vài hải lý thì làm sao đánh được cá thu, làm sao bắt được cua biển? Đã có rất nhiều du khách mua cả triệu bạc, không ăn được sau đó lại lấy số điện thoại qua đường dây nóng phản ánh. Vì thế chúng tôi không làm mạnh tay không được” - ông Triều nói.

Khi được hỏi về hành động thu tôm tít của một người mặc sắc phục (được xác định là thành viên đội trật tự của phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn) như thế có phản cảm không, ông Trịnh Huy Triều cho rằng “đó là cán bộ còn thương dân chán" bởi nếu là ông, ông sẽ thu hết.

“Số tôm tít trên sẽ được đội liên ngành đưa về trụ sở UBND xã, người dân muốn lấy lại tôm thì đến nộp phạt mà lấy về. Nếu không đến chúng tôi sẽ bỏ đi, vì số lượng hải sản những người bán hàng rong không nhiều, lại toàn hàng kém chất lượng, nhanh hỏng. Phạt thì số tiền theo quy định từ 2-3 triệu đồng, nên chẳng ai người ta đến lấy. Nhiều người nói nên làm cách nào hay hơn, tôi thấy bắt hàng rong không thể "bắt đẹp" được, nếu không tịch thu họ sẽ chạy ngay sau đó còn quay lại chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ” - ông Triều nói.

Theo ông Trịnh Huy Triều, nhiều người xem đoạn clip không hiểu hết được bản chất của vấn đề, nên có những suy nghĩ trái chiều cũng là điều dễ hiểu. “Việc dẹp hàng rong là chủ trương của chị xã rồi, nên chúng tôi vẫn làm và sẽ tiếp tục làm. Có như thế Sầm Sơn mới thay đổi được” - ông Triều cho biết.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG