Trong số đó, có 5 trung tâm ở vùng khai thác trọng điểm là Hải Phòng (ngư trường Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (ngư trường biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa), Bà Rịa-Vũng Tàu (ngư trường Đông Nam bộ), Kiên Giang (ngư trường Tây Nam bộ) và một trung tâm tại Cần Thơ (gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long).
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nguồn vốn ngân sách rất khó khăn cho xây dựng các trung tâm nghề cá. Trong kế hoạch đầu tư công trong 5 năm tới (2016-2020), vốn ngành thủy sản qua Bộ NN&PTNT chỉ gần 1.200 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững hơn 1.600 tỷ đồng. Ông Tám cho rằng, các trung tâm nghề cá lớn là các dự án đặc thù.
Theo ông Tám, có thể đề xuất cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm nghề cá lớn theo hình thức hợp tác công - tư. Theo đó, doanh nghiệp có thể khai thác toàn bộ các dịch vụ khu vực trên bờ, dưới mặt nước… và quản lý theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Trung tâm nghề cá lớn gồm tổ hợp cảng cá động lực, kết nối với hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi trung tâm sẽ có các cầu cảng chuyên dụng cho khai thác, tổng hợp, cảng quốc tế, nhà tập kết, phân loại sản phẩm, khu nước ngọt, xăng dầu, khu phi thuế quan, dịch vụ thương mại… Theo Tổng cục Thủy sản dự kiến cần khoảng 14.600 tỷ đồng xây dựng trong đó có gần 5.250 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước…