Đồng bằng sông Cửu Long:

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn'

TPO - Hạn hán, xâm nhập mặn ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến khá phức tạp, trên sông Hậu độ mặn lấn sâu vào đất liền khoảng 50km tới địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong khi trên sông Tiền, do xâm nhập mặn tới sớm và tăng đột biến, Tiền Giang phải đóng cống ngăn mặn sớm hơn dự kiến nửa tháng.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 9 - 20/2, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phức tạp và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Độ mặn đo được lớn nhất tại các điểm quan trắc cao hơn cùng kỳ năm trước từ 0,3-7,2‰.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2024, nước mặn từ biển chảy ngược theo sông Hậu, xâm nhập khoảng 50km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, tại huyện Trần Đề, độ mặn cao nhất đo được 22,4‰, thị trấn Long Phú là 18,4‰ và thị trấn Đại Ngãi là 7,7‰…Tình trạng này đã đe dọa đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của một số địa phương.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 1

Cống Bà Xẩm tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã đóng để ngăn mặn.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc hai bên đường 934B nối TP. Sóc Trăng đi huyện Trần Đề (Sóc Trăng), dấu hiệu hạn mặn thấy rất rõ ở những cánh đồng khô khốc, nhiều kênh mương cạn kiệt nước. Bên cạnh đó cũng có nhiều cánh đồng lúa mới xuống giống hơn 15 ngày nhưng đã có dấu hiệu bị chết vì thiếu nước, hoặc nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 2

Ông Cao Văn Tha (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bên ruộng lúa vụ Đông Xuân muộn.

Ông Cao Văn Tha (nông dân xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) chia sẻ: “Tôi làm 16 công (16.000m2 – PV) lúa vụ Đông Xuân muộn. Lúa sạ được khoảng 15 ngày, nhìn vẫn xanh tươi nhưng có một số bị vàng lá, một số chết nên tôi đang nhổ những chỗ lúa dày để dặm vào những chỗ lúa bị chết. Vẫn biết vụ này làm là khó khăn vì hạn mặn, nhiễm phèn nhưng thấy nhiều người làm mình cũng làm theo, may thì có lúa, xui thì chịu”.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 3

Một số kênh, rạch cạn nước.

Anh Thạch Rum Ma Dung (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) nói: “Khoảng 10 ngày nay nước kênh cạn kiệt gây khó khăn cho bà con. Hôm nay, chúng tôi tranh thủ ra kênh lớn đặt máy bơm nước lên kênh nhỏ dùng tưới hành, ớt nhưng nước cũng không nhiều”.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 4
Đồng ruộng Sóc Trăng nhiều vùng nứt nẻ

Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề thông tin, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không xuống giống vụ Đông Xuân muộn vì rủi ro rất lớn, nhưng bà con vẫn xuống giống. Có thể do vụ vừa qua, lúa lên giá nên bà con làm tiếp vụ này với hi vọng sẽ thành công. Với tình hình thế này, chắc chắn những người làm lúa vụ Đông Xuân muộn này sẽ lỗ nặng.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 5

Những dòng kênh cạn trơ đáy.

Ông Phạm Tấn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 ở mức sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022-2023.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 6

Theo ông Đạo, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên sông Hậu khả năng tập trung trong tháng 2 - 3/2024. Do đó, các địa phương cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn, các thông tin dự báo xâm nhập mặn để có phương án chủ động trong công tác phòng chống.

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 7

Tại Tiền Giang, do xâm nhập mặn trên sông Tiền tăng đột biến, ngày 1/3, cống Nguyễn Tấn Thành (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) đã được đóng kín cửa, ngăn không cho nước mặn từ sông Tiền vào bên trong để trữ ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân tỉnh. Khi nước mặn trên sông Tiền giảm ở mức cho phép, cửa cống sẽ mở trở lại. Việc đóng cống trên diễn ra sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch ban đầu. Đây là cống ngăn mặn lớn thứ 2 của miền Tây (sau hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé tại Kiên Giang).

Xâm nhập mặn đến sớm, 'lúa vụ Đông Xuân muộn này rủi ro rất lớn' ảnh 8
Cống Nguyễn Tấn Thành được đóng vào ngày 1/3, sớm hơn kế hoạch tỉnh đã định trước đó là ngày 7.3.

Cống Nguyễn Tấn Thành được khởi công tháng 11/2022 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành). Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) làm chủ đầu tư.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, đạt tiến độ hơn 70% khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 7/2024.

Tin liên quan