Miền Tây lo ứng phó hạn, mặn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu, mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn tăng nên khả năng thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn, dự báo xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo nguồn nước mùa khô năm 2023-2024 không thuận lợi do tác động của El Nino. Bên cạnh đó, các hồ chứa thượng nguồn chưa tích đủ nước nên khả năng tiếp tục tích nước, làm nước xuống thấp ở đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất kỳ thời điểm nào trong mùa khô do vận hành của thủy điện, có thể gây tác động tương tự các năm hạn mặn lịch sử gần đây.

Dự báo xâm nhập mặn sẽ đến sớm và có thể diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Xuống giống sớm để né hạn, mặn

Tại Hậu Giang, có khoảng 12.000ha lúa Đông Xuân có thể bị mặn từ triều biển Tây xâm nhập, hơn 18.500ha cây ăn trái khả năng bị ảnh hưởng do mặn từ triều biển Đông. Ngoài ra, một số vùng có khả năng thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

Miền Tây lo ứng phó hạn, mặn ảnh 1

Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL dự báo gay gắt - ẢNH: CẢNH KỲ

Đại diện Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị đang theo dõi tình hình mặn tại các vị trí trong và ngoài cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), thường xuyên kết nối với ngành chức năng các địa phương trong vùng phạm vi dự án về kế hoạch sản xuất để có phương án vận hành, điều tiết hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Cống Cái Lớn - Cái Bé là công trình thủy lợi lớn nhất miền Tây, có vai trò kiểm soát, điều tiết nước cho gần 400.000ha vùng bán đảo Cà Mau.

Theo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, vụ lúa - tôm có tổng diện tích khoảng 162.000-170.000ha tại khu vực bán đảo Cà Mau, bắt đầu gieo lúa tháng 9, thu hoạch lúa tháng 1/2024, sau đó thả tôm. Với dự báo mùa mưa kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước khoảng trên diện tích 108.000ha (Kiên Giang 68.000ha, Cà Mau 40.000ha), đây là vùng chủ yếu phải sử dụng nước mưa để cung cấp cho sản xuất.

Trong khi đó, với vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, trường hợp xâm nhập mặn như mùa khô 2015-2016, tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 66.000ha tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Còn vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300ha tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.

Khả năng diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn TBNN, một số thời điểm tương đương so với mùa khô năm 2015-2016.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ Đông Xuân 2023-2024, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,47 triệu ha lúa. Trong đó, xuống giống sớm trong tháng 10/2023 khoảng 375.000ha để né mặn tại vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Trong tháng 11/2023 xuống giống khoảng 700.000ha và tháng 12/2023 xuống giống đợt tiếp theo khoảng 400.000ha.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.