Vượt cạn

Vượt cạn
TP - Cần phải nói ngay, việc Hà Nội lên kế hoạch xây 8 cầu cạn bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm là giải pháp tình thế. Gốc rễ của nạn ùn tắc giao thông tại Thủ đô “nảy mầm” từ hàng chục năm về trước là căn bệnh “thiếu tầm nhìn”.

>> Dự thảo mới về quy hoạch Hà Nội

Người dân thủ đô trong nhiều năm qua phải vật lộn với khói xăng, còi xe, với sự bực bội vì thời gian và tiền bạc bốc hơi lãng xẹt. Các cơ quan chuyên trách đã phải tổ chức cơ man nào là hội thảo để nhằm một mục tiêu: giải quyết nạn tắc đường. Nào là xây cầu vượt, làm đường ngang trên cao, xây hầm đường bộ, hạn chế xe ngoại tỉnh, hạn chế đăng kí xe, điều chỉnh vị trí các giao lộ… Nhưng có vẻ những biện pháp ấy vẫn chỉ là “hớt váng trên khối dầu loang”.

Đường vẫn tắc, xe vẫn kẹt. Trong khi ấy, không ít bài báo đã lên tiếng kêu ca, cho là những biện pháp chống ùn tắc của thủ đô đều mang tính chắp vá, kém hiệu quả, thiếu đồng bộ. Cầu vượt cho người đi bộ tỏ ra là những công trình lãng phí vì chẳng mấy người chịu đi.

Hầm đường bộ gây cảm giác e ngại vì quá vắng vẻ dù xây tốn nhiều tỷ đồng. Gần đây là chuyện Sở Giao thông Vận tải thành phố đưa ra “sáng kiến” làm hàng rào di động tại các giao lộ với triết lý “đẩy xa nơi rẽ trái”.

Nhưng như đã nói ở trên, dù xây 8 hay 80 cây cầu, dù bằng bê tông hay bằng thép, việc ấy vẫn chỉ là những giải pháp đối phó tình thế, chưa thể khẳng định được tính hiệu quả. Giải pháp căn cơ, không phải là chưa được chỉ ra, chỉ là chưa thực thi tới nơi tới chốn: giãn dân, rà soát quy hoạch hạ tầng để đảm bảo mật độ dân cư, phát triển giao thông công cộng trên mặt đất, trên cao hay ngầm...

Nhưng có lẽ, điều kiện tiên quyết là bằng mọi giá, phải đảm bảo kế hoạch, quy hoạch đề ra không bị bóp méo, chệch hướng hay chậm trễ vì bất cứ nhóm lợi ích nào. Chắc chắn việc này đòi hỏi tâm huyết và sự quyết tâm như một cuộc vượt cạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG