Vinalines lại xin được bán ụ nổi 83M

Ụ nổi 83M được Nga sản xuất từ năm 1965 nhưng vẫn được lãnh đạo Vinalines mua về với giá 9 triệu USD nhằm hợp thức hoá các sai phạm về kinh tế của mình.
Ụ nổi 83M được Nga sản xuất từ năm 1965 nhưng vẫn được lãnh đạo Vinalines mua về với giá 9 triệu USD nhằm hợp thức hoá các sai phạm về kinh tế của mình.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa tiếp tục đề xuất được bán ụ nổi 83M do doanh nghiệp này mua về từ thời Chủ tịch Dương Chí Dũng còn đương chức do không có đủ tài chính để quản lý, sửa chữa...

Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Vinalines cho biết để ụ nổi đủ điều kiện khai thác trở lại, doanh nghiệp cần kinh phí khoảng 50 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa.

Tuy nhiên, trước khi quá trình này có thể bắt đầu, doanh nghiệp cần thanh toán khoản nợ phí neo đậu lên tới 27 tỷ cho cảng Gò Dầu. Hiện cảng đã cắt điện dành cho ụ nổi từ hơn một năm nay do nợ phí. Ngoài ra, bảo hiểm của ụ nổi đã hết hạn từ năm 2012, bị rút đăng kiểm từ tháng 1/2011, còn đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ hơn 3 năm trước.

Giữa tháng 7 vừa qua, do trôi dạt, ụ nổi 83M đã kéo căng dây, làm gãy trụ buộc tại cảng Gò Dầu và bị Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai yêu cầu bồi thường 772 triệu đồng. Trong khi đó, cảng vụ hàng hải Đồng Nai cũng yêu cầu Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - đơn vị quản lý ụ nổi 83M phải thuê hai tàu lai trực sự cố trong cảng Gò Dầu. Tuy nhiên, do không có khả năng thanh toán, công ty này bị nhiều đối tác khước từ việc cho thuê.

Ngoài ra, công ty quản lý ụ nổi trước đó đã phải đối diện với vụ kiện tại tòa án huyện Long Thành (Đồng Nai) do Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai khởi kiện, về việc tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản và hợp đồng dịch vụ về cho thuê tàu kéo và thuê neo đậu ụ nổi 83M.

Theo đó, doanh nghiệp này được yêu cầu phải thanh toán tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M từ tháng 12/2010 đến đầu năm 2013 với số tiền 23,7 tỷ đồng và thêm 3,2 tỷ tiền lãi. Đồng thời Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines phải di dời ụ nổi, trả lại mặt bằng cho cảng. Đến nay Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines vẫn phải xin khất nợ với lý do chưa bán được ụ nổi này.

Với những khó khăn trên, Vinalines tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xin phép các cơ quan liên quan để doanh nghiệp được bán ụ nổi nhằm giải quyết khó khăn tài chính.

Trước đó vào tháng 6/2014, Vinalines cũng cũng từng kiến nghị được bán ụ nổi 83M, song chưa được chấp nhận, vì theo cơ quan điều tra, ụ nổi 83M là vật chứng của vụ án cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Do đó, ụ nổi phải được quản lý, bảo quản nguyên vẹn, không được thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, Vinalines cho rằng, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, 83M không có trong danh mục vật chứng vụ án. Do vậy, doanh nghiệp muốn bán ụ nổi nêu trên để giải quyết khó khăn về tài chính.

Ụ nổi 83M được cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng duyệt mua của một doanh nghiệp hàng hải Nga từ năm 2008 với giá lên tới 9 triệu USD, trong khi giá chào của doanh nghiệp Nga là dưới 5 triệu USD. Đáng chú ý, ụ nổi này được sản xuất từ năm 1965, nên đến thời điểm mua về (tháng 6/2008), tuổi thọ của nó đã là 43 năm và được giới chuyên môn đánh giá là không khác gì một “cục sắt vụn”.

Chính vì thế, trong quá trình xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm khác hồi tháng 4/2014, ụ nổi 83M cũng từng được cơ quan điều tra đưa vào danh sách các vật chứng của vụ án tham ô tài sản, sai phạm trong quản lý kinh tế của lãnh đạo Vinalines với giá trị kinh tế lên tới trên 360 tỷ đồng.

Theo Song Hà

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.