Các đại biểu cũng cho rằng, hai bên cần xem xét tăng cường tần suất trao đổi, thông tin liên lạc, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thúc đẩy tuần tra chung; xem xét lập quỹ hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác biển; thành lập các cơ quan đầu mối để đẩy mạnh tham vấn phối hợp trong từng lĩnh vực giữa hai nước, cũng như giữa trung ương và địa phương mỗi quốc gia. Đặc biệt, các địa phương quanh vùng vịnh Bắc bộ cần hợp tác tốt hơn trong thực hiện các quy định quốc tế về môi trường, hợp tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, tăng cường chia sẻ thông tin, đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông hàng hải, tìm kiếm cứu nạn…
Các đại biểu cho rằng, Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá trong vùng vịnh Bắc bộ mà Việt Nam, Trung Quốc ký kết năm 2000 đã xác định rõ phạm vi và tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi, tạo điều kiện cho mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển, thềm lục địa của mình trong vùng vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, tình trạng các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vịnh Bắc bộ ngày càng xuống cấp; ô nhiễm ven bờ và vùng nước của vịnh ngày càng nghiêm trọng; mối đe dọa về cướp biển, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới ngày càng gia tăng…