Viên tướng tình báo Mỹ bị cấm tiếp cận tài liệu mật

Ông Ted "Twig" Branch (giữa) là đối tượng bị điều tra tham nhũng. Ảnh: US Navy.
Ông Ted "Twig" Branch (giữa) là đối tượng bị điều tra tham nhũng. Ảnh: US Navy.
Suốt hai năm qua, giám đốc tình báo hải quân Mỹ lại không được tiếp cận bất kỳ thông tin mật nào, do dính líu đến một bê bối tham nhũng.

Theo Washington Post, luật cấm lạ lùng này bắt đầu từ tháng 11/2013, khi hải quân Mỹ được Bộ Tư pháp thông báo phó đô đốc Ted "Twig" Branch, giám đốc tình báo hải quân Mỹ, nằm trong số những người bị điều tra tham nhũng trong một phi vụ rất lớn, liên quan tới một nhà thầu nước ngoài cùng hàng chục quan chức hải quân.

Lo ngại vị phó đô đốc sẽ bị khởi tố, lãnh đạo hải quân quyết định cấm ông này tiếp cận bất kỳ tài liệu mật nào. Một cấp phó của Branch là chuẩn đô đốc Bruce F. Loveless, giám đốc tình báo tác chiến, cũng bị "cách ly" khỏi thông tin.

Hơn 800 ngày sau, cả hai người trên vẫn chưa bị khởi tố, nhưng cũng chưa ai được tuyên bố vô tội, đồng nghĩa với việc họ vẫn chưa được tiếp cận thông tin mật.

Mặc dù ông Loveless đã được điều động tới một vị trí ít nhạy cảm hơn, ông Branch vẫn tiếp tục phụ trách mảng tình báo hải quân Mỹ. Điều này dẫn tới một nghịch lý, tương tự như điều chiến hạm ra chiến trường nhưng thuyền trưởng vẫn mắc kẹt trên bờ.

Branch không thể gặp các lãnh đạo tình báo cấp cao khác của Mỹ để thảo luận những chiến dịch nhạy cảm, hoặc nghe báo cáo từ thuộc cấp về những nhiệm vụ hay dự án bí mật. Ngay cả việc bước vào phòng của đồng nghiệp cũng có thể là một rắc rối, bởi theo quy định, họ cần phải rà soát kỹ lưỡng nơi đó, để đảm bảo mọi tài liệu mật đều được khóa kỹ.

Một số nhà phê bình đã chất vấn vì sao hải quân lại áp đặt những hạn chế trên với một quan chức tình báo trong thời gian dài, đặc biệt là vào thời điểm Lầu Năm Góc phải đối diện với khủng hoảng tại Trung Đông, Biển Đông, bán đảo Triều Tiên cùng các điểm nóng khác.

"Tôi chưa từng nghe thấy điều gì lạ lùng hoặc ngu ngốc như vậy suốt những năm qua", Norman Polmar, một nhà phân tích hải quân kiêm nhà sử học, nói.

Trong bài viết trên Navy Times hồi năm ngoái, Polmar đã hối thúc giới lãnh đạo hải quân thay thế Branch và Loveless vì vấn đề an ninh quốc gia. Theo Polmar, một số sĩ quan hải quân giấu tên tin rằng "việc quản lý hoạt động tình báo bị ảnh hưởng xấu vào đúng thời điểm đại khủng hoảng".

Thực tế, trong vòng 14 tháng qua, giới lãnh đạo hải quân Mỹ đã hai lần có bước đi nhằm đề cử một giám đốc tình báo mới, nhưng không theo đuổi tới cùng. Không có dấu hiệu nào cho thấy Branch sẽ bị thay thế trong tương lai gần.

Viên tướng tình báo Mỹ bị cấm tiếp cận tài liệu mật ảnh 1

Chuẩn đô đốc Bruce F. Loveless cũng bị điều tra tham nhũng. Ảnh: US Navy.

Bê bối

Ông Branch từ lâu đã là một ngôi sao sáng trong hàng ngũ hải quân Mỹ. Xuất thân từ một phi công máy bay chiến đấu, ông từng tham gia các nhiệm vụ tại Grenada, Lebanon, vùng Balkan và Iraq.

Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò trung tâm trong bộ phim tài liệu gồm 10 phần của kênh PBS, có tiêu đề "Carrier" (Tàu sân bay), về đời sống của thủy thủ trên tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Nimitz. Branch là chỉ huy tàu này năm 2005.

Tháng 7/2013, ông được thăng quân hàm lên phó đô đốc và đảm nhiệm vị trí giám đốc tình báo hải quân. Tuy nhiên, những rắc rối nhanh chóng đến. Gần như cùng thời gian đó, Cơ quan Điều tra Tội phạm Hải quân và Bộ Tư pháp Mỹ đã "sờ gáy" công ty Glenn Defense Marine Asia, có trụ sở tại Singapore, từng tham gia tiếp viện cho các tàu hải quân Mỹ tại các cảng châu Á suốt 25 năm.

Giám đốc điều hành công ty này, Leonard Glenn Francis, đã bị dụ tới Mỹ trong một chiến dịch của cơ quan chức năng, trước khi bị bắt tại một khách sạn ở San Diego. Francis, còn có biệt danh "Leonard Béo", bị khởi tố vì tội hối lộ và trục lợi hơn 20 triệu USD từ hải quân Mỹ.

Tại tòa liên bang, các công tố viên đã phanh phui những chi tiết gây sốc, như Francis từng hối lộ các cán bộ hải quân Mỹ bằng gái mại dâm, tiền mặt, những ngày nghỉ tại khách sạn sang trọng, chăm sóc sức khỏe tại spa, cùng những bữa ăn xa xỉ với xì gà Cuba, thịt bò Kobe và món heo sữa quay đặc sản của Tây Ban Nha.

Đổi lại, một số quan chức hải quân cung cấp cho Francis thông tin mật về lịch trình di chuyển của tàu, cũng như cố tình đưa tàu vào những cảng công ty Glenn Defense Marine Asia kiểm soát, để doanh nghiệp này có thể bán nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho tàu với giá cao, gây tổn thất cho chính phủ Mỹ.

Cuộc điều tra nhanh chóng mở rộng khi các điều tra viên liên bang lần ra mối liên hệ của Francis với hàng trăm nhân sự hải quân trong thập kỷ trước.

Ngày 8/11/2013, hải quân Mỹ thông báo Branch và Loveless bị điều tra do nghi dính líu trong vụ việc này, nhưng không nói rõ họ bị cáo buộc phạm tội gì.

Một năm sau, Branch đưa ra thông cáo trên tờ Navy Times, cho biết cơ quan điều tra đang rà soát những công việc Glenn Defense Marine Asia đã thực hiện trên tàu Nimitz trong thời gian ông làm tư lệnh tàu này. Ông Branch không giải thích thêm, nhưng cho biết mong cuộc điều tra sớm kết thúc, "để tôi có thể trở lại phục vụ đầy đủ cho hải quân và đất nước".

Một nguồn tin khác cho biết, Branch đã gặp Francis 16 năm trước, khi ông còn là chỉ huy trưởng tàu sân bay USS John C. Stennis, và cả hai thường xuyên liên lạc. Nguồn tin còn biết thêm rằng Francis cũng quen biết Loveless trong nhiều năm, từ khi Loveless được điều động sang châu Á với tư cách cán bộ tình báo trên tàu sân bay USS Kitty Hawk và chỉ huy trưởng tình báo Hạm đội 7, đóng ở Nhật.

Mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối đã khiến hải quân Mỹ mất mặt. Tuần trước, tại phiên tòa xử một thủy thủ cung cấp bí mật quân sự để đối lấy tiền và thiết bị điện tử, chuẩn đô đốc Jonathan A. Yuen, lãnh đạo Quân đoàn Hậu cần Hải quân, cho biết ông cảm thấy xấu hổ bởi những tiết lộ tại tòa.

"Tôi không có từ ngữ nào để diễn đạt sự phản bội nghiêm trọng này", Yuen nói. "Không một số tiền nào đáng để chúng ta phản bội tổ quốc, hải quân và các thủy thủ trên tàu".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG