Vì sao Trung Quốc đón bà Mạnh Vãn Châu trở về như người hùng?

0:00 / 0:00
0:00
Bà Mạnh Vãn Châu khi đáp xuống sân bay Bảo An Thâm Quyến ngày 26/9. (Ảnh: CNN)
Bà Mạnh Vãn Châu khi đáp xuống sân bay Bảo An Thâm Quyến ngày 26/9. (Ảnh: CNN)
TPO - Sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Canada, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu cuối tuần qua đã về nước, kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài với Mỹ. Sự kiện này làm dấy lên niềm tự hào dân tộc ở Trung Quốc, nơi nhiều người coi việc bà được trả tự do là một chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh.

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ, với những cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran. Bắc Kinh gọi đây là vụ bắt bớ chính trị của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và liên tục đòi thả bà Mạnh.

Cuộc chiến pháp lý của con gái nhà sáng lập Huawei Mạnh Chính Phi khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada căng thẳng hơn, nhất là sau khi Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada, bước đi được hiểu là sự đáp trả chính trị.

Ngày 24/9, bà Mạnh được về nước sau khi đạt thoả thuận với các công tố viên Mỹ về việc hoãn truy tố cho đến cuối năm 2022, sau đó các cáo buộc có thể được bãi bỏ. Vài giờ sau khi bà Mạnh được thả, hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor cũng được ra tù.

Tối 25/9, tại thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của tập đoàn công nghệ Huawei, thảm đỏ được trải ở sân bay để chào đón bà Mạnh, khi bà trở về trên chuyến bay thuê bao của chính phủ Trung Quốc.

Trên mạng xã hội, thông tin về việc bà Mạnh về nước thống trị các cuộc bàn luận. Cư dân mạng còn theo dấu chuyến bay đưa bà vượt qua Bắc Băng Dương trở về. Hàng chục triệu người theo dõi buổi tường thuật trực tiếp (livestream) hành trình trở về của bà. Có báo còn tường thuật suốt 6 giờ đồng hồ.

Mặc chiếc váy đỏ, bà Mạnh bước ra từ máy bay, không đeo khẩu trang và vẫy tay chào hơn 100 người đang vẫy cờ và hò reo “chào mừng về nhà”.

“Cuối cùng tôi đã về nhà”, bà Mạnh nói trong phát biểu ngắn tại sân bay. Bà bày tỏ lòng biết ơn với “đất mẹ vĩ đại”.

“Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm đến sự an toàn của mọi công dân Trung Quốc, và ông ấy cũng luôn nhớ đến tình hình của tôi. Tôi rất cảm động”, bà nói.

Bà kết thúc bài phát biểu với những lời ca ngợi sự lãnh đạo của ông Tập và trung thành với đất nước.

“Nơi nào có lá cờ Trung Quốc, nơi đó có ngọn hải đăng của niềm tin. Nếu niềm tin có màu sắc, đó phải là màu đỏ của Trung Quốc”, bà nói.

Dù bà Mạnh nhiều lần khẳng định mình là một “công dân Trung Quốc bình thường”, nhưng lễ đón không cho thấy điều đó là điều bình thường.

Sau khi máy bay hạ cánh, bà Mạnh được chào đón bằng thông điệp đặc biệt trên tháp kiểm soát không lưu: “Đây là sân bay Bảo An Thâm Quyến của Trung Quốc. Đất mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của bà. Chào mừng trở về, bà Mạnh Vãn Châu!”

Trong nhà ga đến, hàng trăm người có mặt để đón bà Mạnh. Họ cầm cờ, hoa và biểu ngữ thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Trên phố, những toà nhà cao nhất của Thâm Quyến được thắp sáng với dòng chữ: “Chào mừng về nhà, Mạnh Vãn Châu”.

Nhiều người gọi bà Mạnh là biểu tượng cho chiến thắng của Trung Quốc trước phương Tây.

“Sự trở về của bà Mạnh gây chú ý như vậy là vì đó là chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc, là biểu hiện cho sức mạnh của Trung Quốc”, một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.

Nhân dân Nhật báo gọi sự trở về của bà Mạnh là “chiến thắng lớn của nhân dân Trung Quốc”.

Bài bình luận này nói rằng vụ bắt giữ bà Mạnh là hành động “đàn áp chính trị” của Mỹ nhằm “chèn ép các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc” và cản trở tiến trình phát triển của nước này.

“Trung Quốc không gây rối nhưng cũng không sợ rắc rối… Không một thế lực nào có thể làm lung lay địa vị của đất mẹ vĩ đại của chúng ta. Không thế lực nào có thể cản bước tiến của Trung Quốc” - Nhân dân Nhật báo.

Wang Yiwei, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng người Trung Quốc thực sự vui và phấn khích vì họ cảm thấy rằng Trung Quốc đã trở thành nước đi đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số, sau khi bị lép vế kể từ cách mạng công nghiệp.

“Sự kiện lần này nhắc người Trung Quốc rằng ‘đế quốc Mỹ chỉ là hổ giấy’, rằng họ không thể đánh bại bạn chừng nào bạn không từ bỏ”, GS Wang nói.

“Các giá trị Trung Quốc của chúng tôi rất đơn giản…ai cũng có một sự ngưỡng mộ sâu sắc với những người ở thế yếu mà dám đối mặt và thách thức kẻ mạnh”, một người viết trên Weibo.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.