Vì người bạn vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chương trình “Vì người bạn vùng cao” vừa diễn ra tại Lâm Đồng là một hoạt động an sinh xã hội nằm trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp năm học 2022 - 2023 do Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM và Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9/4.

Đây là hoạt động ý nghĩa chăm lo cho người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng do Đoàn các trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), ĐH Tài chính - Marketing và Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng tham gia đóng góp, thực hiện.

Vì người bạn vùng cao ảnh 1

Chương trình mang niềm vui đến với người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Trong các nguồn lực trao tặng cho địa phương và thanh thiếu nhi khó khăn trên địa bàn, Đoàn trường ĐH Tài chính - Marketing và Đoàn trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã trao tặng cho xã Đạ Nhim 20 bộ máy vi tính thuộc chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” hỗ trợ địa phương thực hiện các hoạt động chuyển đổi số, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).

Các bộ máy tính trên có tổng trị giá hơn 70 triệu đồng, do các bạn sinh viên hai trường kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo chất lượng sử dụng và hỗ trợ địa phương lắp đặt.

Vì người bạn vùng cao ảnh 2

Chương trình hỗ trợ công tác chuyển đổi số tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo lãnh đạo địa phương, 15 bộ máy tính sẽ được lắp tại các Nhà Văn hóa thôn trên địa bàn, hỗ trợ người dân, thanh thiếu nhi đến tra cứu thông tin, tổ chức các hoạt động về nâng cao năng lực số cho người dân, thanh thiếu nhi đặc biệt là đồng bào thiểu số. 5 máy tính còn lại sẽ được lắp tại bộ phận một cửa của UBND xã Đạ Nhim, hỗ trợ đội ngũ công chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng cường thêm trang thiết bị thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương.

Vì người bạn vùng cao ảnh 3

Anh Nguyễn Thành Đông - Bí thư Đoàn trường Đại học Tài chính - Marketing (ngoài cùng bên trái) và anh Nguyễn Trần Trọng Tuấn - Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (ngoài cùng bên phải) trao tặng nguồn lực cho lãnh đạo xã Đạ Nhim.

Ông Cil Pam Ha Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Nhim chia sẻ đây là hoạt động thiết thực với địa phương, nhất là trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương về công tác chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của nhân dân về công cuộc chuyển đổi số.

"Với các nguồn lực tiếp nhận, địa phương sẽ đưa vào sử dụng hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và hoạt động của chính quyền địa phương", Ông Cil Pam Ha Tiến nói.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng trao tặng 20 suất học bổng cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng trang thiết bị học tập cho học sinh và tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 2 gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã.

Chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp được Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM và Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức định kỳ hằng năm nhằm kịp thời cung cấp, trang bị, bổ sung thông tin, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ gắn với yêu cầu công tác, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt của khu vực trường học tại TPHCM.

Chương trình bồi dưỡng được tổ chức trong 3 ngày (7 - 9/4), tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với sự tham gia của các học viên là Bí thư, Phó Bí thư Đoàn các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG TPHCM và Thường trực Đoàn khu vực công nhân lao động có trường Đại học, Cao đẳng.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.