Vết thương kín đáo

Minh họa: Trương Phương Hoa
Minh họa: Trương Phương Hoa
TP - Hai tháng không đạt chỉ tiêu. Sếp châm chước cho cậu thêm một tháng để trả hết món nợ trước nhưng cậu không kham nổi. Thị trường bất động sản ì xèo làm cậu mất niềm tin vào khả năng và cả tài trí của chính mình.

Sự nghiệp mà cậu gắn bó hơn hai năm giờ không đáng tin bằng cây kim chỉ giờ miệt mài chạy trên vách tường. Cậu lóng ngóng dọn dẹp bàn làm việc của mình và trong lòng rộ lên một chút ghen tức với cái người sắp sửa thay cậu ngồi vào chiếc ghế đó.

Cậu không nói cho ba mẹ biết chuyện mà âm thầm dọn vài món tư trang cần thiết và bỏ nhà đi. Hễ cứ buồn là cậu lại bỏ đi. Ít ai biết cậu đi đâu, về đâu, khi nào lại về. Bới tung đầu óc mà không tìm được một nơi đáng để ở, cậu bấm bụng mở lời đến chị:

“Em thất nghiệp rồi, chị cho em ở nhờ vài bữa được không?”.

“Thất nghiệp thì có liên quan gì đến việc bỏ nhà đi?”.

“Em sợ ba mẹ lại lo. Lấy lí do đi công tác nửa tháng rồi vùi đầu ở đâu đó, nghỉ ngơi một thời gian. Cho đầu óc thanh thản. Rồi gồng dậy tìm việc khác”.

“Em nên nghỉ ngơi một thời gian. Chị cho em thuê một phòng trống. Tiền phòng, tiền điện nước cưa đôi. Chỉ không tính tiền giữ xe, tiền rác. Rảnh rỗi thì quét dọn bụi bặm giúp chị. Em lên công ty, tìm H để lấy chìa khóa phòng. Chị để trong hũ kẹo bạc hà".

“Nhưng…”.

“Đừng ngại. Cứ bảo là em họ sang chơi ít hôm. Cuối tuần này chị lại về”.

***

Đã ba ngày từ lúc cậu bỏ nhà đi. Không một dòng tin nhắn hỏi thăm, không một cuộc gọi hỏi han. Suốt ngày, chỉ biết quẩn quanh cái tổ trung lưu của chị. Cố nghĩ ra vài việc vặt để làm cho vui tay cậu chạy tại chỗ vận động cơ bắp. Rồi rửa mặt, rửa tay (dù nó đã sạch). Trong gương, cậu phát hiện ra gương mặt mình khắc khổ và xương xẩu so với khoảng một tháng trước. Cậu quyết định chải chuốt lại diện mạo bằng cách cắt lông mũi, cạo râu, tỉa móng… Khi mọi thứ đã xong, cậu quyết định giúp chị cải tạo khu vườn cằn cỗi ngoài ban công.

Nhìn cách cậu sống trông chẳng giống một vụ biến mất. Dự định ban đầu, cậu không muốn bất kì ai biết nhưng bây giờ điều đó thật sự không đúng. Cậu thấy mình tệ hơn là vô dụng vì hình bóng mình đã trở nên không quan trọng. Vắng đi sự hiện diện của cậu, không ai gào lên khóc, không ai lăn đùng ra chết cả. Từ sâu trong lòng, cậu muốn mình là kẻ bỏ trốn, còn mọi người phải chạy khắp nơi kiếm tìm. Nhưng lẽ nào lại rêu rao lên cho cả thiên hạ biết mình đang nấp tại căn hộ riêng của một bà chị độc thân. Sau một hồi đắn đo, cậu nhắn tin cho K: “Anh mất tích rồi. Sao K không đi tìm?” .

Cái tin nhắn thật sự làm mất mặt nhưng cậu muốn K đi tìm mình. Dù chỉ là tiện đường tạt qua nhà và hỏi ba mẹ cậu đang ở đâu. Vẫn như bao lần, K giữ thái độ điềm nhiên trước mọi biến cố. Mà kì thực, chẳng việc gì phải cuống lên, phải ngạc nhiên. Mất tích, nhưng cái tin nhắn đã tố cáo cậu đang an toàn ở một nơi nào đó, trên quả đất này. K bắt bài được cậu, khi thấy mọi chuyện tạm ổn, lòng đã bình tâm, ắt cậu sẽ quay trở về. Việc của K là chờ đợi. K không ép mình cố tỏ ra lo lắng được.

***

Nghe tin trưa nay chị về, cậu nhảy lên vui mừng như con chim cánh cụt biết tin mùa đông đến và những phiến băng sẽ dày trở lại. Vừa gặp mặt, chị đã nghiêm mặt giáo huấn cậu bằng những câu cũ rích: “Thôi ngay cái trò trẻ con đó cho chị. Lớn rồi, phải con nít đâu. Mày đi thế này ai lo cho hai bác”. Cậu cúi mặt lầm lì, giả vờ xếp lại chồng báo lộn xộn trên bàn trà. Chị giống với mẹ cậu, một vấn đề nhỏ cũng có thể diễn giải thành rất nhiều chữ kèm theo những dẫn chứng sinh động, ví von sâu sắc. “Chị nói nữa em bỏ về giờ”. Không nghe tiếng chị nói nữa, chỉ nghe tiếng nước xả róc rách trong phòng tắm.

Cậu bảo sẽ thết đãi chị một bữa trưa hoành tráng. Chị bảo hôm nay ăn chay. Vì thế bữa cơm trưa trở nên đạm bạc với mì tôm úp chảo và đậu phộng chiên mắm. Mọi thứ có sẵn trong tủ bếp. Ấy vậy mà cậu sơ ý nên khứa dao vào đầu ngón trỏ trái trong lúc thái hành và đập dập tỏi. Vết cắt khá sâu. Dạo này cậu cứ lớ ngớ như thế, như người mất hồn. Bữa trưa vẫn cứ ngon vì nhiều tiếng cười đùa. May nhờ có chị, cậu không bị chết buồn vì thiếu âm thanh và thiếu ánh mặt trời.

***

Một tuần chị ăn chay ba ngày, vào các thứ lẻ. Các món thịt và có kết hợp với thịt đều bị tống khứ ra khỏi suy nghĩ của chị. Đó là cách để chị tập cách kiềm chế lại bản năng con người. Chị đang cố gắng tăng số ngày ăn chay trong một tuần và phấn đấu không động đến thịt suốt cả tuần. Điều ấy làm cậu quan ngại sức khỏe của chị. Mọi lần gặp, cậu đều nhắc nhở chị phải ăn đầy đủ các loại thực phẩm, mua thêm vitamin về uống. Cậu chỉ rõ, vòng eo của chị ngày một lép kẹp, mắt sâu hoắm, xương đòn gánh nhô cao. Mà chị chẳng thèm đoái hoài.

Công việc bận bịu khiến chị không còn thời gian để chăm lo nhan sắc của mình. Vừa thật, vừa đùa, chị chẳng con lấy đâu ra nhan sắc để mà chăm sóc chúng chu đáo nữa. Chị là một pho tượng già cỗi, đang chờ đợi một cuộc đại trùng tu để khoác lên mình một giao diện tươi mới như ngày còn xuân.

Đôi lúc, cậu muốn can thiệp vào chuyện riêng tư của chị. Cậu dồn chị vào thế bí, buộc chị phải tự thú về những điều thầm kín mà bấy lâu nay chị thường không nhắc đến hoặc muốn né tránh mỗi khi ai đó có hỏi.

“Tuổi chị, kết hôn đi là vừa”.

Khi phát ngôn câu ấy, cậu biết chị đã xấp xỉ ba mươi cái xuân. Chữ “vừa” hàm nghĩa nói giảm nói tránh.

“Mày yêu chị đi, chị cưới liền”.

“Em đồng ý thì chị đừng hối hận đó!”.

“Mày nghĩ xem, ở tuổi chị, làm thế nào mà đi nói với một người đàn ông rằng mình yêu anh ta chứ? Đó là chưa tính đến chuyện bị từ chối”. - giọng chị khều khào.

“Chị đúng là cổ lỗ sĩ”.

“Tình yêu là vậy đó em. Ai mở lời trước thì người đó thua cuộc”.

“Nói như chị thì người thắng, người thua quan trọng vậy à”.

“Mày thua chị tận một giáp. Nên đừng có lên mặt dạy đời chị. Vạn sự tùy duyên”.

Cậu sợ chị xem đàn ông là một món thịt. Dù nó có thơm ngon, béo bở nhưng nó lại xuất hiện trên bàn ăn đúng vào những ngày chị lên lịch ăn chay.

***

Cậu thức dậy, chị đã đi rồi. Chị lại tiếp tục với những chuyến đi biền biệt. Chị hẹn cuối tuần lại về nhưng cậu không tin câu hứa đó lắm. Căn hộ trở nên vắng vẻ như những ngày cậu chưa dọn đến. Đồng hồ trên vách tường vừa chạm bốn giờ năm phút. Còn đồng hồ trên cổ tay cậu kém hơn hai phút. Nhà cậu có rất nhiều đồng hồ các loại nhưng thời gian trên đó không trùng khớp với nhau. Cậu cố tình chỉnh chúng lệch nhau để biết được thời gian đang trôi.

Cậu đóng hết cửa sổ, chốt cửa ra vào, kéo rèm kín mít như sợ ai đó sẽ phát hiện ra. Dù gì, cậu cũng đang là một kẻ ẩn nấp và lẩn tránh. Phải ngụy trang bản thân theo một cách nào đó. Cả thể xác lẫn tâm hồn.

Và vẫn chưa có ai phát hiện ra cậu mất tích. Cũng chưa có ai chạy đi tìm kiếm cậu. K nhắn tin cho cậu bảo rằng chúng bạn ở câu lạc bộ “những người thích viết nhảm” nhắc cậu vì lâu rồi không thấy xuất hiện. Trong số đó có K không thì cậu không biết nhưng hy vọng là có.

***

Cuối tuần, chị lại về. Bận bịu nấu nướng trong bếp. Lại một bữa chay đúng nghĩa. Cuối bữa, chị lấy táo ra gọt vỏ bằng một con dao bén và nhọn. Táo như bữa tráng miệng phổ biến nhất trong lịch sử ngành ẩm thực. Dao trên tay chị đi đến đâu, những khoanh vỏ táo dài được tạo thành. Trông rất đẹp mắt.

Khóa cửa phòng cẩn thận, cậu và chị đèo nhau đi ra vùng ngoại ô. Gió biển tạt vào đất liền mang đẩy những cụm bông lau bay lơ ngơ giữa trời. Dù vậy, mồ hôi rịn ra trên mặt cậu thành những hạt trong suốt như thủy tinh. Môi cậu luôn đỏ và mắt đôi khi nháy liên hồi như đâu đây đang có một đợt rung chấn nhẹ.

Trên đường về, tiện đường nên cậu và chị ghé vào bệnh viện thăm người chú bà con xa. Chú là một cảnh sát gương mẫu, đã từng lập nhiều chiến công phá nhiều sòng bạt lớn, triệt tiêu nhiều ổ mại dâm trong thành phố. Chỉ có điều, cơn nghiện rượu trầm kha giam cầm tuổi già chú ở khu đặc cách này.

Chị mở cửa phòng, bước vào một cách ngần ngại. Cậu rón rén bước theo sau. Một sự im lặng chết chóc lan tỏa khắp mọi nơi. Những đồ vật có trong phòng trông giản dị đến lạ thường. Chiếc giường kê dọc theo bức tường nâng trên đó một người đàn ông đã bước qua tuổi sáu mươi. Đó là chú của chị. Lưng chú tựa lên chiếc gối, hai tay chắp trước bụng. Mắt nhìn đăm đăm ra phía ngoài cửa sổ rung rinh mấy hàng trúc đào.

Mùi hắc đặc trưng của bệnh viện làm chị nhớ đã hai năm rồi chị không ghé đến thăm chú. Lần này đến, chị cũng không thông báo với bác sĩ điều trị. Chú của chị vẫn không thay đổi nhiều so với trước kia, về diện mạo. Một vẻ rúm ró của người già mà khi nhìn và rất dễ buông lòng thương hại. Nhưng khuôn mặt thì hãy còn tỉnh táo lắm. Ba người trong một căn phòng bệnh nhưng khó đoán được ai là bệnh nhân.

Chú gần như không động đậy và không quan tâm lắm ai đang bước vào phòng. Chị hỏi gì, chú cũng không trả lời. Dường như chú hiểu tất cả những gì chị nói nhưng lại cố tình im lặng. Chú đã không nói gì từ rất lâu rồi như một người quên đi gốc gác và văn minh của chính mình. Thỉnh thoảng, chú gật đầu khe khẽ. Không lấy làm nhụt chí, chị tiếp tục những câu chuyện kể về cuộc sống của mình, của những đứa con của chú.

Phần bản thân mình, chị kể về những cuộc tình mình đã từng có vì chị biết chú cũng phần nào lo lắng về việc đó. Nhưng chị làm chú đôi chút thất vọng. Chị nhắc lại những cuộc tình chóng vánh đó như kể một câu chuyện. Mọi cái kết chị từng trải qua rất thanh thản, nhẹ nhàng và lắng sâu. Lời kể của chị thoáng do dự như tự trách cứ bản thân đã không đến thăm chú thường xuyên hơn.

Cậu kiên nhẫn cho câu chuyện dài của chị kết thúc. Rồi cả hai khép nhẹ cửa phòng. Ra về. Không ai có thể giúp chú lấy lại nhiều năm sống đã bị mất đi về thế giới bên ngoài, về người thân và gia đình.

***

Trên đường về, xe chết máy. Cậu giúp chị dắt xe tạt vào một quán nhậu nhỏ.

Bà chủ cầm con dao đang chặt dở khúc xương, chạy ra oang oang: “Đi đâu mà ướt nhẹp vậy nè!”, “Cần khăn lau không?”, “Đài báo mưa, sao không chuẩn bị áo mưa”, “Hư xe nữa à? Cái này thì căng đấy!”, “Muốn sửa phải vào trong nội thành”. Dáng người bà khá mập, bước đi nặng nề. Làn da trắng trẻo nhìn rất sang. Từ lúc bước vào quán, chị và cậu không nói một lời. Chỉ mình bà độc thoại. Bà không cho miệng mình ngơi nghỉ. Bà bình luận đủ điều về chiếc xe cũ tàn tạ của chị. Không thể tìm được một nhịp nghỉ để chen vào chào hỏi và trả lời những câu hỏi bà ta đưa ra. Cậu và chị tìm được cái cớ để mình có thể vừa trú mưa, vừa chờ đón taxi về.

Bà chủ quán mời chị và cậu ngồi trên tấm phản gỗ bừa bộn đồ chơi trẻ con. Chị bỗng chạy ào vào WC bên hông nhà. Cậu tư lự một chút rồi nhận ra nguyên nhân xuất phát từ mùi tanh của thịt sống từ con dao và chiếc dạp dề vấy máu của bà chủ. Chị kiêng thịt, chị dị ứng với mùi máu tươi, với ion sắt có trong máu. Hành động lạ lùng ấy như kích thích bà chủ quán hỏi nhiều hơn, nói nhiều hơn, quát to hơn.

Bà ta đặt con dao xuống, chùi qua loa hai bàn tay vào tạp dề. Cậu nhìn chăm chăm vào cái lưng của bà ta khuất vào nhà trong. Như tấm phản gỗ, phẳng lì nhưng nhiều màu sắc hơn. Bà lấy ra một ly thủy tinh nước chè còn bốc khói và đưa cho chị uống. Chị vừa nhấp môi thì lấy tay bưng miệng. Chút nữa là ói ra hết.

- Bị vầy lâu chưa? - Bà chủ quán đánh giọng hỏi cả hai người khách lạ. Giọng bà lớ lớ nghe buồn cười.

- Vài tháng trở lại. - Cậu đáp.

- Như vậy là không ổn rồi. Sau này mang thai, khổ lắm đó.

Cậu quay sang nhìn chị, rồi cả hai cúi xuống tìm một cái gì đó dưới nền gạch ướt nhẹp. Mắt chị thoáng buồn. Cuống họng như có vật gì chắn ngang. Ngao ngán không buồn mở miệng.

Suốt mười mấy năm qua, chị côi cút đi làm sớm rồi lặng lẽ trở về lúc chiều muộn. Lúc đi, lúc mở cửa, lúc bật đèn chị phải làm sao cho thật khẽ để hàng xóm xung quanh không biết động tĩnh của chị. Chị muốn mọi việc mình làm, mọi lời mình nói không đánh động và can dự gì đến cuộc sống của người khác. Cuối tuần, chị ở nhà và bỡn cợt với sự im lặng. Sự im lặng trong suốt. Người chị cũng như không hình hài. Thi thoảng, chị mua vài bông đồng tiền về cắm trong mấy vỏ chai Heiniken vứt ở xó bếp. Cái màu xanh ve chai chị yêu một thời. Màu xanh làm chị nhớ một thời chìm sâu trong những cuộc chè chén, những cuộc vui thâu đêm.

Còn bây giờ, chị ngắm chúng một mình, cười một mình và lại buồn một mình. Qua hôm sau, chị muốn đem nó tặng cho mấy đứa trẻ hàng xóm mỗi đứa một bông, nhưng đắn đo mãi. Đành thôi. Chị cứ để chúng đó, trong cái vỏ chai còn tanh men. Cho đến khi chúng khô cằn và gãy gục xuống mặt bàn.

- Sao lại khóc? Cậu này bỏ rơi cô sao?

Cậu đính chính mình không phải là người yêu của chị. Cậu bảo mình nhỏ tuổi hơn chị, cậu có đem theo chứng minh nhân dân. Như thế bà chủ mới chịu tin. Nhưng cậu không biết, hành động đó lại làm chị tổn thương. Giá mà cậu nói rằng cậu là người yêu của chị, dù cho đó là giả dối. Giọng bà chủ cứ tuôn ra đều đặn.

Không thể chịu được thêm giọng nói oang oang đó, cậu và chị xin phép ra về. Mưa cũng đã ngớt. Taxi màu vàng hạt dẻ trờ tới. Cậu dặn bà chủ quán trông cái xe máy của chị cẩn thận. Cậu và chị rúc đầu vào trong khoang xe chật. Áo quần đã khô nước nhưng chưa ráo hẳn. Xe lao đi trên đường nhựa trơn ướt. Chị thấy đầu lâng lâng nên ngả lên vai cậu và chợt mắt nghỉ một lát.

- Ngày mai em về nhà đi.

- Hãy để em ở với chị vài ngày.

- Không được. Em phải về. Đừng trốn tránh ai cả. Hãy đối diện với mọi thứ dù nó sắp giết em đi chăng nữa. Chị đã nghe ai đó nói hãy sống hồn nhiên như loài cỏ dại ven đường. Đừng ngụy trang gì cả. Lẫn thể xác lẫn tâm hồn.

- Dạ em biết.

Thật sự không muốn, nhưng cậu phải nghe lời. Cậu không muốn vì mình mà chị thấy buồn hơn.

Chị vẫn thường bị một số người trong công ty ghét. Họ ghét cách trang điểm của chị. Họ không thích chị độc thân. Chị luôn bị ném ra bên lề của những câu chuyện về việc mua tã lót cho con, việc cai sữa, việc chăn gối với chồng… Họ không thích phụ nữ tuổi con cọp. Họ cũng không thích giọng nói ngọt ngào, phát ngôn trôi chảy của chị. Nó như mật rót qua tai rồi sau đó bầy kiến ùa tới nhấm nháp. Thế nhưng chị vẫn sống như thế. Và sẽ sống như thế cho mòn cả đời này. Chị vẫn cười với họ mỗi ngày, chị làm việc với họ. Chị ăn chay và không quên cầu nguyện cho họ. Cầu cho họ sẽ được tha thứ.

Cậu đánh mắt sang nhìn chị. Khuôn mặt chị kém lộng lẫy đi một chút. Mưa đã rửa trôi gần hết màu son môi, phấn má và chì kẻ mắt của chị. Cậu lấy tay chạm phớt lên mái tóc ẩm của chị, nhưng không khiến chị mở mắt nhìn mình.

Buổi tối. Vẫn là ngày hôm đó, cậu thu dọn hành lí và quay về nhà như lời khuyên của chị. Lúc cậu đi, trời mưa tầm tã. Cậu chờ mãi mà không thấy chị lên tiếng can ngăn. Chị bận nằm trong phòng vỗ về nỗi buồn trong suốt của mình. Tối nay chị nhịn đói. Cậu nghĩ bụng: “Hay là mình tập ăn chay như chị. Biết đâu lại thấy lòng thanh thản”. Mãi không thấy K nhắn tin cho mình, cậu hí hoáy soạn tin: “K không cần tìm anh nữa. Anh đang trên đường về. Mưa to quá chừng!”. Tin nhắn nhọc nhằn lướt đi trong đêm mưa ướt nước.

Vết thương kín đáo ảnh 1
Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Việt thường có mạch truyện không dễ nắm bắt. Có lẽ tác giả không quan tâm đến khía cạnh chuyện, trong khi hiện đa số người đọc vẫn muốn sau khi đọc xong một truyện ngắn thì có câu chuyện để nhớ và kể lại. Với Nguyễn Quốc Việt, điều này dường như không quan trọng, mà tính cách nhân vật, cũng như cách họ tương tác với nhau, để phát lộ một điều gì đó trong đời sống này, mới đáng kể.

Tác giả sinh năm 1992. Cách anh đi vào văn chương như thế là cách đi đường xa. Nhưng khó.       

L.A.H

MỚI - NÓNG