Nhà Mặt Lai

Minh họa: Nguyên Du
Minh họa: Nguyên Du
TP - Cả làng Ma chỉ có nhà Nhu làm mặt lai. Cũng chả thấy ai giải thích sao lại gọi cái mặt bằng giấy bồi, vẽ màu để ghép vào các hình nhân lại gọi là mặt lai. Làng Ma này có nghề làm hàng mã, đủ thứ, nào là tam phủ, tứ phủ, tiền vàng, quần áo, nhà lầu xe hơi. Toàn bằng giấy màu.

 Xưa người ta chỉ làm hình nhân đức ông, đức bà, hình cô, hình cậu. Nay thì đủ thứ hình nhân. Thế nên nhà Nhu khá đắt hàng. Các nhà chuyên làm hình nhân tranh nhau đặt làm mặt lai các kiểu về gắn lên hình bồi giấy xanh đỏ trên khung đan bằng nan tre.

Nhu lấy chồng bên làng Ngọc. Vụ, chồng Nhu, nhà có đến sáu anh em trai nên bố mẹ chồng Nhu đồng ý cho ở rể. Nhà Nhu chỉ có một mẹ một con.

Vụ hai mươi mốt tuổi khi cưới, rất khoẻ và hiền lành.

Làng Ngọc cách làng Ma vài cây số. Hồi mới ra quân, bố bảo mày đi tăm gái rồi cưới vợ cho xong. Vụ lượn con wave Tàu, qua đằng sau làng Ma, chỗ nhà Nhu bây giờ, thấy cô nàng ngồi quay ra đường, đang cong lưng vỗ vỗ đập đập cái gì đó ở sân, thoáng thấy cặp mông tròn căng và một khoảng trắng nõn dưới thắt lưng. Vụ vòng xe quay lại, hỏi: “Em ơi, cho anh hỏi, nhà ông chủ nhiệm hợp tác xã ở đâu nhỉ” “Ơ, làng em bây giờ làm gì có hợp tác xã mà anh hỏi” “Anh cứ tưởng làng mình có hợp tác xã bán bưởi… thế nhà có nước cho anh xin hớp?”. Tán tỉnh kiểu củ chuối thế mà cũng xong. Ba tháng sau, cưới luôn.

 Vụ xách ba lô đến ở làng Ma.

Sang ở, Vụ mới biết là nhà vợ tứ cố vô thân, có độc hai mẹ con với nhau. Tuyệt không họ hàng nội ngoại, anh trên em dưới gì sất. Vụ cũng chả quan tâm đến điều này. Vụ mê vợ, hay úp mặt vào vòng ba mà hôn hít. Chỉ thế Nhu đã bùng nổ liên tiếp…

***

Con sông Đuống bên cạnh làng.

Vốn đang băng băng chảy thẳng, đến nửa chừng lại uốn một nét như cái vành tai. Thế là con đê cũng uốn theo. Lọt thỏm vào cái khúc uốn ấy, sát chân đê là làng Ma. Khi đi trên đê, đến đầu khúc quanh, bất thình lình cái làng ấy hiện ra. Hết khúc quanh, ngoảnh đầu nhìn lại, không thấy cái làng ấy đâu nữa. Cứ như ma.

Làng Ma vốn có tên chữ rất hay. Làng Đông Mai.

Nhưng dân tình cũng chả mấy khi gọi, họ cứ gọi làng Ma cho tiện. Người phương xa mới nghe thấy nghi hoặc, chứ còn dân quanh vùng thì chả ai thắc mắc. Họ bảo làng ấy toàn làm đồ cho người âm thì gọi làng Ma là đúng rồi. Mấy thằng cha xấu mồm nói, dân làng ấy mặt mũi cứ ma mãnh thế nào. Điều này thì có vẻ hơi quá, bởi vì ngày xưa, dân làng Ma làm nghề vẽ tranh bán tết cho khắp vùng, chứ nghề làm hàng mã gần đây mới thịnh. Ngày chưa xa, tết đến các chợ bày bán đầy tranh của làng. Những bức tranh vẽ mười hai con giáp, tùng trúc cúc mai… Nhà nào cũng mua một hai bức về chơi tết. Nhà giàu thì mua bộ tứ bình về treo phòng khách. Nhà nghèo cũng mua bức tranh lợn âm dương ủn ỉn bên đàn con béo tốt, bức con gà làng Hồ ngũ sắc óng ánh đem về dán lên vách. Rộn ràng ấm áp.

Dịp gần đây, chả nhà nào mua tranh về chơi tết nữa.

Câu ca: Làng anh có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề vẽ tranh…không còn ai đọc.

Cả làng chuyển sang làm hàng mã. Về ở rể làng Ma, Vụ cũng thành tay chuyên làm mặt lai với vợ. Làm ra một cái mặt lai cũng nhiều công. Đầu tiên là phải bồi giấy bản lên khuôn, hồ cứng, gõ chặt. Sau đó mới sơn mặt, vẽ hình. Rồi treo lên hong cho khô. Khắp nhà, ngoài hiên lủng lẳng la liệt những cái mặt hình nhân xanh đỏ. Chưa quen nhìn cũng thấy ghê ghê, sau quen rồi chả thấy gì.

Cái nghề làm mặt lai cũng nhàn, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Suốt ngày ở trong nhà, lại có hai phụ nữ chăm nom nên Vụ đẹp trai sáng sủa hẳn ra. Cả hai làng đều nói, xưa các cụ bảo, gái phải hơi trai, giờ thì trai lại phải hơi gái, chú Vụ đúng là số sướng, chuột sa chĩnh gạo. Thì đúng là chĩnh gạo còn gì. Mà là gạo nếp cái hoa vàng thơm nức chứ không phải thường nhé. Đấy là mấy tay trung niên hàng xóm thỉnh thoảng có dịp ngồi rượu chè tán dóc thế. Ý họ nói đến bà mẹ vợ mới ngoài băm của Vụ. Vụ chỉ cười. Nhưng quả thật là bà ấy còn trẻ lắm. Về ở bên này rồi thì Vụ mới dần biết được gốc tích mẹ vợ mình. Vốn người mạn trên, nhà nghèo nên học xong cấp hai có người đưa xuống làm cho nhà ông Nghệ Nhân trên đầu làng. Nhà Nghệ Nhân rất giàu. Xưa là một trong những nhà vẽ mẫu khắc ván in tranh cho cả làng. Ở nhà Nghệ Nhân ba năm, mười bảy tuổi thì tự nhiên to bụng. Chả biết của ai. Sợ không dám về quê. Nhà Nghệ Nhân cắm cho mảnh đất rìa làng, làm cho cái nhà nhỏ. Ở, rồi đẻ ra vợ Vụ bây giờ.

Vụ vốn là một thằng đơn giản, ít suy nghĩ.

Thỉnh thoảng thấy lão Nghệ Nhân gần chín chục râu tóc bạc phơ đến chơi, Vụ gọi là ông.

Con trai của Nghệ Nhân tầm trung niên đến lấy mặt lai thì Vụ gọi là chú.

Mà ông Nghệ Nhân với chú rất hay đến lấy hàng những lúc tối muộn. Lúc nào ông đến thì chú không đến. Có lần hồi mới sang, Vụ bảo sao không đóng hàng sớm. Mẹ vợ nói rằng ngày còn bận trông nom, tối mới sang chở mặt lai về để cho mai thợ có việc làm. Chuyện làm ăn ở làng nghề sớm hôm thường tình.

Thế nên ông hay chú có đến lúc nào thì Vụ cũng chả để ý nữa. Vả lại, chưa tối vợ chồng đã kéo nhau vào buồng quấn chặt thì còn thời gian đâu mà hóng chuyện người khác, dù có là mẹ vợ. Nhưng đấy là cái lúc vợ chồng son rỗi. Vợ đẻ thằng con trai đầu lòng sau khi cưới chưa đầy năm. Rồi chả hiểu ra làm sao, đang hừng hực thế mà vợ Vụ tự dưng thờ ơ với chồng.

Vụ thấy hơi buồn. Nhưng cũng chả nói gì.

Nằm ở nhà ngoài khó ngủ. Vì từ ngày vợ đẻ đổi giường để cho mẹ vợ vào chăm cháu. Mẹ vợ thấy thế ngâm cho bình rượu thuốc, nói của ông lang ngoài phố cắt cho.

Mỗi tối trước khi lên giường, Vụ nhâm nhi đôi chén. Lơ mơ. Tửu lượng của Vụ không khá. Nhưng Vụ thích cái cảm giác lơ mơ say ấy. Đấy là khi tâm trí con người ta dường như thoát khỏi những cái ràng buộc đời thường. Không còn buồn phiền khổ não. Mọi vật lộn vất vả mưu sinh bị men cay dìm vào một lớp mây mù mờ hư ảo. Thấy phấn khích lạ. Dường như có thể bay lên. Những lúc như thế, con người ta có thể làm những việc không tưởng.

Vụ lơ mơ trên chiếc giường ở gian nhà ngoài. Trong buồng lục đục, xậm xoẹt, Vụ cũng chẳng nghe rõ. Đêm làng quê yên ắng. Trong mơ màng Vụ thấy một hình nhân nữ khoả thân, đè lên người mình. Lạ lùng. Vụ lại thấy mềm mại nóng bỏng tràn trề của thịt da. Vụ ú ớ. Vụ mơ màng nghĩ mình đang trong giấc mơ. Một giấc mơ đàn ông. Đêm rất đen. Vụ chắc là mơ.

Vụ bảo với cả nhà, hình như nhà mình có ma hay sao, đêm thấy có hình người trắng toát đi lại trong nhà.

Mẹ vợ nói, bố thằng cu uống rượu vào chắc ngủ mơ. Thế cũng tốt, khỏe.

Bình rượu thuốc luôn đầy và được bổ sung đủ vị.

Dịp này, hình như tửu lượng của Vụ lên. Mẹ vợ hay rót thêm cho con rể, nói uống cho đủ thì thuốc mới ngấm. Cả ngày ngồi vẽ mặt lai chắc mỏi.

Ngồi miên man cả ngày, Vụ thỉnh thoảng cũng nghĩ.

Những cái mặt lai đức ông, đức bà, mặt cô mặt cậu, tất cả chỉ là nét vẽ màu mè đen trắng đỏ hồng khác nhau. Đều từ giấy mà ra cả. Cũng khuôn ấy. Cũng mẫu ấy. Cho một chút đỏ ra đức ông trung thần nghĩa sĩ. Để một chút trắng thành nịnh quan hàng tướng. Cũng chỉ là nét tô. Rồi hong cho khô. Rồi chuyển đến xưởng. Rồi ghép thành hình nhân. Rồi đưa về đền phủ xì xụp hương hoa khấn vái. Thế là thành ngài. Một mồi lửa hoá thiêng, các ngài ấy về giời hay xuống âm ty địa phủ không biết. Vụ không biết. Dân làng Ma không biết. Chả ai biết cả.

Một buổi sáng, Vụ đang ngồi làm thì Nghệ Nhân đến.

Hình như ông vừa đi uống rượu về, mặt đỏ tưng bừng, không biết đám xá gì mà rượu sớm làm vậy? Nghệ Nhân ông phảy tay bảo Vụ:

-Rượu sáng trà trưa, cổ nhân dạy cấm có sai bao giờ. Sáng nay ta chỉ định vào quán cháo lòng đổi món, nào ngờ gặp mấy tay trong làng. Chúng nó cứ gạ gẫm làm vài chén, thành ra hơi say. Chúng cung kính bảo ta đáng là thành hoàng làng, kha kha kha kha…Một mình ta vẽ ra bao nhiêu mẫu cho cả làng làm theo kiếm ăn. Bán đô la giả lấy đô la thật. Bán nhà lầu xe hơi giấy rồi xây nhà lầu mua xe hơi xịn. Cúng các cụ ô sin chân dài hàng mã rồi đi ôm chân dài thật. Cả làng phát tài. Ta đáng là thành hoàng quá chứ còn gì?

Không hiểu sao Vụ không thấy thích cái tiếng cười kha kha của Nghệ Nhân. Nghe cứ giả giả làm sao. Chả giống tiếng cười của một ông lão tuổi đại thọ. Vụ nói điều ấy với vợ. Vợ Vụ bảo, chả làm sao cả, giả thì đã sao. Cả làng làm đồ giả, cả nước tin vào đồ giả có sao đâu.

Nhưng mà dạo này Vụ thấy lạ.

Có đêm, đang trong giấc mơ thấy Nhu đứng bên giường, mặt trắng bệch như mặt ma.

Trưa hôm sau, lúc ăn cơm, Nhu cứ cúi gằm mặt xuống. Thỉnh thoảng có giọt nước mắt.

Vụ hỏi. Nhu nói không có gì. Vụ cũng chả hỏi nữa. Thì Vụ vốn là người vô tâm. Ngày cứ cặm cụi ngồi bồi giấy, gõ mặt, tô, vẽ. Tối xong việc làm vài chén rượu…

Dân tình nói làng Đông Mai đêm về là nơi hồn ma tụ họp.

Có khi đúng như vậy. Cả làng làm toàn những thứ cho người âm, nhà nào nhà nấy mở cửa hàng bán đồ âm phủ thì ma về tụ họp là đúng rồi. Nửa đêm giờ tí canh ba, từng đoàn hồn ma lũ lượt lượn lờ xà xẩm khắp các cửa hàng bán đồ mã trong làng. Ma đi thành từng bọn, trẻ với trẻ, già đi với già. Hồn ma sơ sinh đỏ hon hỏn bay lừ lừ sát đất. Ma già cởi trần đóng khố râu tóc bạc phơ, nhảy nhon nhót…Tất cả lướt trong lặng lẽ vô tịch. Hồn về chọn rồi báo mộng cho người nhà trên dương gian gửi xuống. Ma cũng như người mà. Có ma chọn vàng thoi, thuyền thỏi. Ma chọn nhà lầu xe hơi. Ma khác lại chỉ thích hầu non. Ma rất thích hình nhân đẹp, gọi là hàng kỹ.  Nhà lão Nghệ Nhân chuyên làm hình nhân hàng kỹ, thế nên đêm xuống nhiều ma nhất làng. Cả một xưởng rộng toàn các hồn ma bay lượn ngắm nghía…

Xưa đấy là xưởng in tranh.

Cái hồi mẹ vợ Vụ mới mười bốn, xuống làm thuê ngủ ngay tại đấy, kể là cái xưởng ấy đêm xuống có rất nhiều người âm lảng vảng. Hình như dưới âm buồn nên các hồn ma muốn có bầu bạn. Xưởng làm hình nhân rất phát tài. Cả một xưởng rộng ngàn ngạt những hình nhân các kiểu. Có dãy hình nhân đã xong, quần áo mũ mãng cân đai như người thật, đứng cả dãy đợi lên xe ô tô đi các nơi. Những dãy hình nhân đang làm dở dang trong chập chờn bóng tối, nhìn như những kẻ tội đồ đang bị Diêm Vương lóc da xẻ thịt. Nom rất khiếp. Cô bé rất hãi, trùm kín chăn trên chiếc giường góc xưởng, nhắm nghiền mắt đợi giấc ngủ về. Đêm khuya, có người mặt xanh đỏ hay vào trêu. Cứ cù vào người, nhồn nhột. Thấy vừa sợ vừa thích. Rồi mê đi... Lâu dần không thấy sợ nữa.

Cô bé kể với mọi người trong xưởng là đêm hay có người âm vào trêu đùa.

Ông và chú gạt đi, nói, mày hay ngủ mơ, làm gì có âm ma hồn cốt nào.

Nhưng đên năm mười bảy tuổi thì sinh chuyện lớn. Cô chủ đưa đi viện khám thì chửa năm tháng rồi. Cái thai đã thành người, ai mà dám bỏ, thất đức chết.

Bà không tham gia nửa lời vào câu chuyện. Bà suốt ngày ngồi gõ mõ tụng kinh trên điện thờ.

Cô thì ngấm nguýt âm thầm cấu xé chú. Nhưng rồi cũng đành im. Chuyện mà vỡ lở ra hỏng cả bố lẫn con.

Thế rồi đành cho mẹ Nhu ra ở rìa làng.

Ông Nghệ Nhân vẫn ra thăm. Chú cũng ra. Mỗi người đảo qua một quãng.

Dân làng Ma bụm miệng cười thầm. Nói hai bố con chung một chiến hào. Bà và cô biết, đành mặc kệ. Có làm um lên cũng chả ích gì, mà tan nát hết. Mà đàn ông làng này, thằng nào chả thế. Làng Ma này, từ ngày nghề tranh lụi đi, nghề hàng mã lên ngôi, rất khá. Mấy năm nay cả nước khủng hoảng triền miên, nhưng dân làng Ma vẫn làm ăn tốt. Thì làm gì mà chả giàu, cái nghề làm tiền giả, bán lấy tiền thật nên phất nhanh lắm. Xưa in tranh, chỉ có một vụ tết đắt hàng. Bây giờ hàng mã người ta đốt quanh năm. Mà cũng lạ, càng khủng hoảng, người ta càng cầu cúng khỏe, đốt mã nhiều. Phần đời bế tắc, chả biết kêu ai, đành kêu cầu các cụ dưới âm phù trợ. Thôi thì tốt lễ dễ kêu, nào là tiền vàng đô la địa phủ, áo mũ nhà xe, hình nhân đi kèm…

Thế nhưng người làng Ma lại chả bao giờ đốt mã. Kể cả vài tờ tiền giả đô la xanh in hình ông Franklin như thật cũng không. Họ chỉ tiêu tiền thật.

Người xưa đã nói, no cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi. Dân quanh vùng nói, cả làng ấy cặp bồ lẫn lộn với nhau. Điều này có vẻ hơi quá. Nhiều lúc là do hoàn cảnh mang lại. Như tay Cường, cặp với em Bến, lúc bị vợ bắt sống, khai, hai anh chị cùng đi chợ với nhau, chả có ý gì. Trên đường về, trời nắng, đường vắng, mà tự dưng lại hiện ra cái nhà nghỉ, thế mới sinh chuyện.

Chuyện bố con Nghệ Nhân chung một chiến hào thì dân làng Ma cũng chỉ thỉnh thoảng tán dóc vài câu cho vui, chứ còn mặc kệ. Ai hơi đâu mà để ý.

Nhưng mà Vụ thì phải để ý đến. Vì Vụ là rể, mà dạo này ông rồi chú cứ hậm hực với mẹ vợ. Vì mẹ vợ bảo bận trông cháu. Ông và chú nói, mày có biết vợ mày là con cháu nhà ai không. Biết. Thì mấy tay hàng xóm vẫn nói, vợ mày dòng giống nhà Nghệ Nhân, nhưng đếch biết là con hay cháu. Có khi nửa con nửa cháu. Bố vào chập tối, con vào nửa đêm thì đến ma cũng chả biết con hay cháu. Nhưng vợ Vụ là con hay cháu thì Vụ cũng chả quan tâm. Là gì thì với Vụ cũng là vợ, tối đến là đè ra giã thật lực. Vụ vốn rất khoẻ mạnh, vợ sinh con trai đầu lòng, mẹ vợ nói phải cai trăm ngày, nghe phát sốt! Đêm rượu say, mơ màng, thấy mình bị nuốt chửng. Mới đầu Vụ nghĩ là mơ. Nhưng lại thấy mùi đàn bà nồng nàn trong đêm vắng. Vụ tỉnh ngủ. Có tiếng thì thầm quen thuộc bên tai, bảo Vụ đừng nói gì, đừng nghĩ gì, cứ làm thôi. Thì Vụ có nghĩ gì đâu, Vụ vốn vẫn là người ít nghĩ. Mà đàn ông có ai nghĩ được gì khi đang thế...

***

Gia đình Nghệ Nhân nổi tiếng trong làng Ma.

Xưa chuyên khắc ván ra mẫu cho cả làng in tranh rồi chở đi bán các nơi. Nay chuyển sang làm hàng mã thì lại chuyên làm hình nhân.

Dân làng Ma vẫn đắc ý với nhau, làm hàng giả là một tội. Thế nhưng cả làng mình làm hàng giả: nhà giả, tiền giả, vàng giả, quần áo mũ mãng cân đai giả, đỉnh cao là người giả… hình như được khuyến khích. Dạo này ti vi đài báo suốt ngày nói về tâm linh. Rồi âm dương ngũ hành, tử vi phong thủy tướng số. Đội ngũ các “thày” thấy nổi lên nhiều tay cao thủ. “Thày” nào cũng phán cũng bảo ngoài các thứ đồ mã, phải kèm theo một vài hình nhân gửi xuống âm, để các hồn có bầu bạn sẽ không quấy quả người trần. Nên nghề làm hình nhân ở làng Ma dịp này ngày càng phát triển. Xưởng của nhà Nghệ Nhân có đến mấy trăm người làm suốt mà không đủ giao cho khách. Nghệ Nhân khéo tay nhất làng. Thì đã được phong nghệ nhân cơ mà. Những mẫu oái oăm mà khách hàng đặt đều phải đến tay Nghệ Nhân mới làm nổi.

Thế nhưng dịp này cả Nghệ Nhân ông hơn chín mươi tuổi và chú đều đang khó chịu. Mẹ vợ Vụ cũng khó chịu trong người, hình như có điều khó nói.

 Vụ chả nghĩ gì. Xưa nay Vụ vốn vẫn là thằng đơn giản.

Ngày, Vụ cứ cặm cụi ngồi bồi giấy vẽ mặt. Đêm xuống, lại làm vài chén rượu, đợi giấc mơ về. Vụ cứ mặc kệ cái sự đời.

Nhưng mấy hôm nay, Vụ cũng nghĩ. Mẹ vợ nói thầm vào tai là hai tháng nay không thấy, hôm nào phải đưa đến phòng khám sản giải quyết, không thì chết.

Mẹ vợ Vụ không kịp đến phòng khám sản.

Tối hôm rằm, ông Nghệ Nhân gọi mẹ vợ vào xưởng nói chuyện. Rồi chú cũng xuống. Lại gọi di động cho Vụ bảo vào luôn đây đi. Nói một lần cho hết nhẽ.

Cũng chả ai rõ là ba ông với một bà, nói gì, làm gì mà xưởng hình nhân tự dưng bốc cháy đùng đùng. Dân làng Ma đoán rằng chú hút thuốc, vất tàn vào đống mã, bén lửa. Lửa bùng lên nhanh. Xưởng khóa trái kỹ quá. Không ra kịp. Sặc khói rồi chết cháy cả. Bốn cái xác quấn chặt vào nhau.

Mà không phải bốn, còn cái thai trong bụng nữa. Là năm.

Lửa cháy xưởng nhà Nghệ Nhân hôm ấy nhanh kinh khủng. Xe cứu hỏa đến nơi thì đã thành tro hết cả.

Sau đám cháy, mẹ con Nhu bế nhau về quê ngoại. Cái nhà nhỏ ở rìa làng bỏ không. Những cái mặt lai làm dở treo lủng lẳng, la liệt bên trong, nhuôm nhoam, cũ kỹ. Mỗi khi màn đêm buông xuống, gió từ ngoài cánh đồng thổi vào, những cái mặt ấy đung đưa chập chờn, như đang nhảy múa trong một vũ điệu ma quái kinh dị.

Nhà Mặt Lai ảnh 1

Truyện ngắn dưới đây ngồn ngộn chi tiết và có bộ khung khá lớn, có cảm giác nếu tác giả chịu phát triển, nó có thể thành một truyện dài. Bi - hài, nghiêm túc và nhăng nhố, thảy đều có mặt.

Có hàng vạn nẻo bước vào nghề văn, Trần Thanh Cảnh đi bằng một lối không giống ai. Anh là một dược sĩ được đào tạo bài bản, nhưng khi bước vào nghề (khá muộn, hơn 40 tuổi mới bắt đầu cầm bút) đã sớm khẳng định được giọng văn riêng.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.