Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một người hay chỉ trích Trung Quốc, nhiều lần thể hiện nghi ngờ đối với CoronaVac, sản phẩm của hãng dược Trung Quốc Sinovac Biotech.
Trong khi đó, Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, một người đối lập với ông Bolsonaro, nói rằng, bang sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin cho người dân từ tháng 1 tới, dù bang đông dân nhất của Brazil này sẽ không thể sử dụng CoronaVac nếu không được Anvisa cấp phép.
“Brazil là nước đi đầu trong tiến trình đánh giá CoronaVac”, Reuters dẫn khẳng định của Anvisa. “Vắc-xin này được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc từ tháng 6 năm nay. Các tiêu chí của Trung Quốc để cấp phép sử dụng khẩn cấp là không minh bạch, và không có thông tin công khai nào về những tiêu chí mà giới chức Trung Quốc dựa vào để đưa ra quyết định của họ”, Anvisa nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua nói rằng, Trung Quốc “rất chú trọng” đến sự an toàn và hiệu quả của các vắc-xin do nước này sản xuất.
Cơ quan quản lý y tế Brazil từ lâu chịu ảnh hưởng chính trị, và ông Bolsonaro đã bổ nhiệm những người cùng phe vào vị trí quản lý Anvisa, khiến giới chuyên môn lo ngại rằng quyết định của cơ quan này mang tính chính trị.
Hàng chục ngàn người đã tiêm vắc-xin Sinovac theo chương trình cấp phép sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc từ tháng 7 năm nay, nhưng chỉ giới hạn trong các nhóm có nguy cơ cao.
Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết về các tiêu chí mà họ dùng để xác nhận vắc-xin đạt chất lượng sử dụng khẩn cấp. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc không phản hồi đề nghị bình luận. Đại diện Sinovac từ chối bình luận, nhưng nhắc lại khẳng định đưa ra tại cuộc họp báo hồi tháng 10 của một quan chức y tế nước này rằng, việc tiêm phòng khẩn cấp được triển khai sau hàng loạt đánh giá phù hợp với quy tắc của Tổ chức Y tế thế giới.
Vắc-xin CoronaVac đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Sao Paulo.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam hôm qua bác bỏ tin đồn rằng, việc thành phố này mua vắc-xin COVID-19 từ đại lục là có động cơ chính trị. Bà nói việc này được hai ủy ban chuyên môn ủng hộ. Bà Lam nói việc mua vắc-xin hoàn toàn dựa trên bằng chứng khoa học và mục tiêu của chính quyền đặc khu là cung cấp vắc-xin an toàn cho người dân thành phố càng sớm càng tốt.
Bà nói tin đồn rộ lên trong những tuần gần đây sau khi chính quyền thành phố thông báo đã đạt được thỏa thuận mua 7,5 triệu liều vắc-xin từ hãng dược Sinovac Biotech của đại lục. Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng đặt mua 7,5 triệu liều vắc-xin của hai hãng dược Mỹ và Đức Pfizer-BioNTech.
SCMP dẫn một nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng, Sinovac Biotech được chọn ít nhất một phần vì chính quyền thành phố phải tính đến phản ứng của nhóm ủng hộ đại lục nếu họ không chọn nhà cung cấp nào của đại lục.