2 hãng dược lớn hoãn bán vắc-xin COVID-19 tới cuối năm sau

GlaxoSmithKline và Sanofi Pasteur sản xuất loại vắc-xin COVID-19 dựa trên protein tái tổ hợp Ảnh: FT
GlaxoSmithKline và Sanofi Pasteur sản xuất loại vắc-xin COVID-19 dựa trên protein tái tổ hợp Ảnh: FT
TP - GlaxoSmithKline (Anh) và Sanofi Pasteur (Pháp) hôm qua thông báo họ sẽ hoãn xuất xưởng vắc-xin ngừa COVID-19 tới cuối năm 2021 vì kết quả tạm thời cho thấy “không có đủ đáp ứng miễn dịch” ở người cao tuổi.

“Kết quả nghiên cứu không được như chúng ta hy vọng…. Cần nhiều loại vắc-xin để khống chế đại dịch”, CNN ngày 11/12 dẫn lời ông Roger Connor, giám đốc bộ phận vắc-xin của GlaxoSmithKline. GlaxoSmithKline và Sanofi Pasteur ngày 11/12 thông báo, họ đang chuẩn bị cho thử nghiệm giai đoạn 2b mới sẽ diễn ra vào tháng 2/2021. Thử nghiệm giai đoạn 3 trên quy mô toàn cầu có thể bắt đầu vào quý II/2021, thay vì tháng 12/2020 như kỳ vọng ban đầu.

Trong khi đó, hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) đang hợp tác với đơn vị sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga để thử nghiệm sự kết hợp của các loại vắc-xin ngừa COVID-19. Họ đang thực hiện chương trình thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của việc kết hợp vắc-xin AZD1222 (do AstraZeneca và ĐH Oxford phát triển) và vắc-xin Sputnik V (do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển). Vắc-xin kết hợp sẽ được thử nghiệm trên người lớn. AstraZeneca cho rằng, việc kết hợp giữa hai loại vắc-xin có thể giúp tạo ra “sự bảo vệ tốt hơn thông qua đáp ứng miễn dịch tốt hơn và khả năng tiếp cận tốt hơn”.

Nga đăng ký Sputnik V hồi tháng 8 trước khi thử nghiệm giai đoạn 3 trên quy mô lớn nhằm xác định tính hiệu quả và an toàn của loại vắc-xin này. Trong khi thử nghiệm giai đoạn 3 đang diễn ra, Nga đã bắt đầu tiêm chủng hàng loạt. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gamaleya nói rằng, hơn 150.000 người Nga đã tiêm thử nghiệm Sputnik V, hãng tin Nga RIA Novosti đưa tin.

Ngày 11/12, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam, nói rằng, chính quyền của bà đã ký các thỏa thuận mua vắc-xin COVID-19 của các hãng dược, công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc), Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức). Hong Kong sẽ nhập 7,5 triệu liều vắc-xin do BioNTech và Pfizer sản xuất và 7,5 triệu liều vắc-xin của Sinovac để cung cấp miễn phí cho 7,5 triệu dân (mỗi người được tiêm 2 mũi), bà Carrie Lam nói tại cuộc họp báo về vắc-xin. Bà cho biết, chính quyền Hong Kong đang hy vọng đạt được thỏa thuận tương tự với hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và đang tìm kiếm nhà cung cấp vắc-xin thứ tư.

“Một triệu liều vắc-xin đầu tiên được trông đợi sẽ tới Hong Kong sớm nhất là vào tháng 1 năm sau”, bà Carrie Lam nói về vắc-xin của Sinova. Một triệu liều vắc-xin của BioNtech và Pfizer sẽ đến đặc khu này vào quý I/2021. Người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên các trại dưỡng lão sẽ được tiêm vắc-xin đầu tiên, bà cho biết.

Hôm qua, Ủy ban tư vấn về vắc-xin và sinh phẩm liên quan của Cục Dược phẩm & Thực phẩm Mỹ đề xuất cơ quan này cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.