Tướng Tư Bốn, chuyện giờ mới kể…

Tướng Tư Bốn, chuyện giờ mới kể…
TP - Vẫn cái dáng cao dong dỏng, khuôn mặt lạnh, nhưng rất mạnh mẽ và dứt khoát ngày nào trong quân phục Cảnh sát nhân dân với quân hàm Trung tướng, anh Tư Bốn (Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Việt Thành) đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt và nụ cười hiền lành: “Anh Tư cảm động và mừng quá khi thấy mấy đứa xuống đây thăm anh”. Áo thun ba lỗ, quần soóc lấm tấm bùn cùng mấy người em cháu tát đìa, bắt cá làm mồi đãi khách. Tướng Tư Bốn bây giờ làm nông dân đặc biệt như vậy đây.
Hạnh phúc bên cháu nội
Hạnh phúc bên cháu nội.

Cũng khá lâu, kể từ dạo anh về nghỉ hưu (ngày 1-1-2009), chúng tôi mới gặp lại anh- người chỉ huy chuyên án Năm Cam một thời lừng lẫy rất thân tình với báo chí.

Đi trong khu vườn rợp mát cây xanh quanh nhà của anh Tư Bốn mới cảm nhận hết sự an nhàn và đậm đà bản sắc miệt vườn. Nhà anh Tư xây trệt, thấp hơn mấy chậu kiểng trước sân nhà, nhưng nhiều căn, nối nhau bốn bề là vườn cây xanh, nhưng gió mùa nào cũng luồn trước, luồn sau mát rượi.

Hiên trước, anh vẫn để cái giá sắt, tấm võng đã bạc màu, mấy sợi dây dù màu trắng, hồng te tua trên đầu võng quen quen. Hình như nó đã theo anh suốt những năm về TPHCM làm Phó Tổng Cục trưởng TCCS Phía Nam.

Cái võng “anh Tư Bốn” gợi nhớ lại chuyện Hiệp “phò mã”, “thái tử” Trương Hiền Bảo, Thọ “đại úy” và một số tay chân theo lệnh Năm Cam thường xuyên đeo bám theo Tướng Tư Bốn điều tra, nghiên cứu kỹ về “ông Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát” từ Giám đốc CA Tiền Giang về phụ trách TCCS Phía Nam có sở thích, thói quen gì, lộ trình đi đứng, giờ giấc ra sao… Vào thời điểm đó, năm 1999-2000, Năm Cam đã hoàn toàn nhận biết rằng số phận của mình và tập đoàn tội phạm theo kiểu xã hội đen đang bị đe dọa bởi con người bí ẩn này.

Hỏi: Ngày đó anh lo sợ điều gì nhất? - Anh bật cười hà hà: “Anh chẳng sợ gì không lo gì cho bản thân. Chỉ lo cho chị Tư và mấy anh em, đồng đội sa ngã.

Sau một thời gian, ông trùm Năm Cam nhận thông tin phản hồi đến thất vọng: “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, mê nằm võng, thích uống rượu đế”. Biết là vậy, nhưng chính Năm Cam thú nhận trong trại giam rằng: không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị bắt bởi con người này. Tuy ngạo mạn, khôn ngoan đến quỷ quyệt, Năm Cam vẫn thừa nhận “tâm phục khẩu phục” nhận án tử hình với lời khẩn khoản xin ông Tư Bốn và Ban chuyên án “tha tội chết” cho mấy đứa con cháu Năm Cam. Nhưng điều đó lệ thuộc vào tội ác của các bị cáo gây ra, lệ thuộc vào việc định tội, luận tội theo khung pháp luật.

Chị Tư Bốn nhớ lại: Hồi đó, có lần trước nhà xuất hiện hai thanh niên lạ mặt đến hỏi han, làm quen đủ điều. Chị nói: Chồng tui mần công việc gì tui không biết, các anh về đi. Hai người lạ mặt còn mang theo một vali khá đẹp mắt, năn nỉ không được, kiếm chuyện xin ngủ nhờ qua đêm trước chái hiên nhà cũng được. Chị gọi Công an xã đến can thiệp, hai thanh niên này mới biến mất tăm.

Kẻ thù của anh đâu biết: 16-17 tuổi, Tư Bốn đã chiến đấu rất dũng cảm. Anh nổi tiếng với “chiêu” bắn bằng lựu đạn nạng thun bay xa cả trăm thước. Từng một mình quần nhau với hàng trăm tên địch với các loại vũ khí hạng nặng yểm trợ nhưng anh vẫn quả cảm cõng ông Tư Thắng - một cán bộ cấp trên bị thương vượt vòng vây đạn lửa an toàn. Anh chiến đấu và bị thương trong một trận đánh ác liệt tại quê hương, người thôn nữ cùng quê đã cứu thương, cưu mang anh thoát chết trong gang tấc là chị Chín vợ anh bây giờ. Địch phát hiện anh bị thương trong căn nhà lá dừa, chúng áp sát gí súng vào sát lưng, nhưng tên chỉ huy đã gạt tay, ra lệnh bắt sống. Khoảnh khắc “vô tiền khoáng hậu” ấy, đã giúp anh phóng ra cửa sổ, bò qua bờ rào thoát hiểm. Anh từng là Tiểu đoàn phó An ninh vũ trang tiếp quản Tổng nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Năm 1980 anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tháng 4-1998 anh được phong hàm Thiếu tướng - Giám đốc CA tỉnh Tiền Giang, là hàm tướng hiếm hoi, duy nhất vào thời này dành cho một giám đốc Công an tỉnh. Tháng 7-2003 anh được phong quân hàm Trung tướng. Một con người như thế thì đâu dễ gì kẻ xấu mua chuộc, đe dọa dễ dàng như chúng tưởng.

Bên mộ người thân
Bên mộ người thân.

…Ngày nghỉ, con cháu tranh thủ về thăm anh chị nên nhà đông đúc, vui vẻ. Cô con gái là bác sĩ sống ở TPHCM, hai con trai đang công tác trong ngành công an ở Tiền Giang. Bữa nay, chị Tư Bốn dậy khá sớm, ra vườn cắt rau đắng, rau má chuẩn bị cho nồi cháo cá lóc. Anh Tư Bốn rất thích món ăn sở trường này. Thêm mấy con cá rô to chị kho tộ với nước dừa, thơm và ngon quắn lưỡi, chấm các món rau vườn không gì ngon bằng.

Phu nhân của Trung tướng người ta bước ra cửa là có xe đưa, xe đón. Còn chị Tư Bốn thì hai chân trần thoăn thoắt đi về. Hình như suốt một đời chị không nhấc nổi chân ra khỏi khu đất vườn nhà của ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Hồi anh Tư đang công tác tại Công an Tiền Giang có khi cả tháng mới về một lần. Từ năm 1999, anh lên nhận nhiệm vụ tại Bộ Công an - TPHCM có khi vài tháng anh không về vì bận việc. Bao nhiêu chuyện vườn, chuyện nuôi cá, nuôi heo, trồng lúa, rải phân, xịt thuốc, xay gạo… chị rành rẽ trong lòng bàn tay.

Phụ nữ có chồng xa nhà ai cũng lo đứng, lo ngồi. Chị cũng vậy, nhưng chưa bao giờ chị khuyên anh từ bỏ những gì anh đang làm. “Hồi anh Tư làm chuyên án Năm Cam, chị có sợ bọn xấu tìm trả thù, đe dọa không?”- Chị cười sảng khoái hệt như không hề có chuyện lo lắng bao giờ. “Việc của ổng thì ông làm. Việc của chị là ruộng vườn, sợ gì”. Nói thì dễ ợt như vậy, nhưng ít ai biết chuyện: vài ngày chị ngắt, hái từng ngọn rau trồng tại vườn nhà, gởi từng con cá, ký thịt heo, mắm muối… đến cả nước ngọt để uống, chị lấy nước mưa hứng tại nhà cho vào can nhựa để chở lên thành phố cho anh Tư ăn uống.

Ai mà biết được những âm mưu đen tối nhất của kẻ xấu. Cái khó của những người dũng cảm như anh Tư Bốn, không phải là kẻ thù trực diện mà là kẻ thù nấp trong bóng đêm. Nhớ lại có thời kỳ cao điểm chuyên án bắt Năm Cam và đồng bọn, hàng ngày xe đưa đón anh từ trụ sở Bộ về nhà thường xuyên không có mặt anh trong xe. Ngay cả khi ra Hà Nội báo cáo, nhận lệnh từ lãnh đạo Bộ, Trung ương anh cũng “nghi binh” thay đổi lộ trình, giờ giấc, đi bằng xe taxi biển trắng.

Người chỉ huy chuyên án đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận không chỉ trong nước mà cả nước ngoài thường ngày vẫn làm việc, ăn ở trong cái “nhà vòm” như một công sự nổi trên mặt đất. Tại đây, chiếc giường sắt cá nhân, cái giá võng, lèo tèo mấy thứ dụng cụ nấu nướng cá nhân, anh đã sống an toàn và chỉ huy chiến đấu với kẻ ác.

Hỏi: Ngày đó anh lo sợ điều gì nhất ? - Anh bật cười hà hà: “Anh chẳng sợ gì không lo gì cho bản thân. Chỉ lo cho chị Tư và mấy anh em, đồng đội sa ngã”. Nhớ lại một buổi chiều, anh gọi tôi vào “nhà vòm” để anh nói nghe chuyện “làm công tác tư tưởng với Dương Minh Ngọc - lúc đó đương chức Trưởng phòng PC14, rồi đến nhà riêng gặp vợ anh Ngọc khuyên lơn, động viên rồi mới đến chuyện bắt bớ theo pháp luật.

Anh rất chân tình kể lại chuyện vào trại giam 4 lần cùng lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và lãnh đạo cấp trên để gặp Năm Cam và lá thư hơn 10 trang giấy viết Năm Cam gởi anh và Ban chuyên án. Chuyện anh vào trại giam của Bộ thăm anh Năm Huy (nguyên Trung tướng, Thứ trưởng Bộ CA Bùi Quốc Huy) hằng năm. Có lần anh Năm Huy nói: “Thèm chuối quá Tư Bốn ơi…”. Hôm sau, Tư Bốn lệnh cho anh em trong trại mang cả buồng chuối chín ngon lành gởi anh Năm Huy.

Ngày còn công tác tại Văn phòng Ban Phòng chống tham nhũng T.Ư (từ ngày 17-11-2006) đến ngày về hưu (1-1-2009) anh thường xuyên vận động các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân làm công tác xã hội - từ thiện hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây nhà bia liệt sĩ…

Nhắc chuyện lúc chỉ huy chuyên án Năm Cam và đồng bọn, anh được tặng thưởng nhưng không nhận. Anh Tư Bốn kể lại: Lúc đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết đang họp Quốc hội đã điện về cho Thường trực Thành ủy "thưởng riêng cho anh Tư 20 triệu đồng trong vụ án Năm Cam, nói đây là tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân TPHCM dành cho anh nên anh không được từ chối". Số tiền này quá lớn đối với tôi, nên tôi đã xin ý kiến của Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, nhận lẵng hoa còn 20 triệu thì dành cho việc tôn tạo khu di tích của lực lượng công an thời kỳ chống Mỹ ở Tây Ninh.

Về với mảnh vườn, công ruộng đất nhà, anh còn vận động các doanh nghiệp, bà con trong xã Thanh Bình gần một tỷ đồng xây dựng nhà quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Nơi có phần mộ của mấy người anh em trong gia đình anh. Mẹ anh Tư Bốn là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh không chỉ là người chỉ huy giỏi, một cán bộ công an liêm khiết, trong sạch mà còn nổi tiếng là người con rất có hiếu và lễ phép với mẹ. Khi đã làm tướng lĩnh công an, về nhà gặp mẹ là vòng tay thưa, trình như một cậu học trò ngoan hiền, lễ phép ngày xưa.

Đến chơi nhà anh Tư Bốn, thăm anh chị và để được ăn uống một bữa vui, say bên cạnh đìa rạch nước và vườn cây xanh mát, và câu chuyện của ông Tướng về hưu trong anh vẫn mãi còn thời sự trong lòng chúng tôi.

Chợ Gạo, ngày cuối tháng 4-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.