Tương quan lực lượng Nga - Mỹ và đồng minh trên chiến trường Syria

Ảnh: US Navy
Ảnh: US Navy
TPO - Sau các cáo buộc liên quan tới việc chính quyền Syria của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ-Nga và các đồng minh đang ồ ạt triển khai các hoạt động quân sự trên biển và đất liền.

Tìm hiểu tương quan lực lượng giữa Mỹ-Nga và các đồng minh của hai bên có ý nghĩa quan trọng giúp hé lộ phần nào ưu thế của các bên nếu Mỹ và đồng minh thực sự khai hỏa Syria.

Lực lượng trên biển

Về phía Mỹ và đồng minh, hiện tại Mỹ đã triển khai nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman tới Trung Đông để sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với Syria bất cứ khi nào cần thiết.

Theo Hải quân Mỹ, từ ngày 11/4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman bao gồm: tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy, tàu khu trục USS Arleigh Burke, USS Bulkeley, USS Forrest Sherman và USS Farragut, bắt đầu rời Norfolk, Virginia, Mỹ lên đường thực hiện nhiệm vụ mới ở Trung Đông. Các tàu chiến này mang tổng cộng khoảng 60 tên lửa hành trình Tomahawk.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ cho biết 2 tàu khu trục USS Jason Dunham và USS The Sullivans cũng sẽ gia nhập nhóm tác chiến.

Tàu khu trục FGS Hessen của Đức được cho là sẽ cùng tham gia nhiệm vụ lần này.

Đại diện của Hải quân Mỹ Chloe Morgan cho biết việc triển khai nhóm tàu trên được tiến hành theo kế hoạch định trước, nhưng từ chối chia sẻ về ngày mà nhóm tàu sẽ tới khu vực và thời gian làm nhiệm vụ của USS Harry S. Truman tại đây.

Nhóm tác chiến sẽ làm nhiệm vụ trong khu vực hoạt động của hạm đội 5 và hạm đội 6 thuộc Hải quân Mỹ. Hạm đội 5 chịu trách nhiệm hoạt động trong khu vực phía tây Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư, còn hạm đội 6 hoạt động ở khu vực Địa Trung Hải.

Trước đó, Wall Street Journal đưa tin, Hải quân Mỹ có thể gửi tàu khu trục USS Porter tới hỗ trợ tàu USS Donald Cook đang đóng tại phía đông Địa Trung Hải.

Về phía Nga, lực lượng hải quân Nga đóng tại các căn cứ của Nga ở Syria có tàu chiến LSTM Minsk 127 lớp Ropucha của Hạm đội Baltic Hải quân Nga.

Hiện tại, tàu chiến Minks 127 đang neo đậu tại cảng Tartus, nơi đặt căn cứ kỹ thuật của Nga tại Tây Syria.

Những hạm đội lớn và các tàu khác của Hải quân Nga đang đóng vai trò chính trong việc vận chuyển hàng hóa tới căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ hải quân Tartus và cho quân đội Syria.

Ngoài ra, nhiều tàu cỡ lớn chở vũ khí của Nga cũng đã được điều động tới Syria và một tàu đổ bộ hải quân gần đây đã quá cảnh ở eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phòng không

Đối với Nga và chính quyền Tổng thống Syria Assad, tác chiến phòng không được cho là yếu tố mang tính quyết định tới sự thành bại trong việc chống lại các đòn tiến công đường biển và đường không của Mỹ và đồng minh.

Hiện tại, lực lượng phòng không của Nga và Syria chủ yếu bao gồm Hệ thống phòng không S-400, S-300 và tổ hợp Pantsir-S1 có nhiệm vụ bảo vệ phòng không hiệu quả cho các vị trí triển khai của Nga.

Theo nhiều nguồn tin, sau khi Mỹ điều tàu sân bay USS Harry S. Truman tới Trung Đông, ngay lập tức Nga đã điều thêm hàng chục tổ hợp phòng không Pantsir đến Syria để sẵn sàng "nghênh chiến" nếu Mỹ và đồng minh khai hỏa Syria.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Assad cũng đã triển khai nhiều hệ thống phòng không hiện đại quanh thủ đô Damascus và gần phủ Tổng thống đề phòng trường hợp bị Mỹ tấn công.

Hình ảnh vệ tinh do phe đối lập Syria công bố cho thấy, có 6 tổ hợp phòng không trong đó có tổ hợp Pantsir-S1 hiện đại nhất trong biên chế của quân đội Syria, đã được bố trí xung quanh sân bay quân sự Mezzeh (Syria), căn cứ quan trọng của quân đội chính phủ ở phía tây thủ đô Damascus.

Trong khi đó, lực lượng phòng không của Mỹ Trong khi đó Mỹ và đồng minh hầu như không sử dụng lực lượng phòng không tại Syria mà chỉ cung cấp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) cho lực lượng đối lập tại Syria.

Sở dĩ như vậy là vì tác chiến của Mỹ tại Syria chủ yếu được triển khai từ các tàu chiến ngoài khơi.

Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ khi nào

Việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truma tới Trung Đông diễn ra trong bối cảnh Washington đang cáo buộc Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Nga và Iran dường như đứng sau ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar Assad và cam kết sẽ có quyết định biện pháp đáp trả trong vòng 48h. Ông Trump cũng để ngõ khả năng dùng biện pháp quân sự.

Damascus và Moscow đã kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và liên minh. Syria cũng mời các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học OPCW tới Douma điều tra về vụ việc. Nga cũng đã cử các chuyên gia hóa học tới khu vực và kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có dấu hiệu của một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, những diễn biến mau lẹ trên chiến trường Syria, đặc biệt là các động thái điều động vũ khí, binh lực giữa Nga-Syria và Mỹ-đồng minh cho thấy, chiến tranh trên chiến trường Syria có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Điều này tùy thuộc vào toan tính thời điểm và sự mặc cả giữa các bên liên quan.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.