Như vậy, các trường có cơ sở pháp lý để tự chủ, không còn phải thí điểm theo Nghị quyết 77 như thời gian vừa qua. PGS. Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong Luật GD ĐH sửa đổi, quyền tự chủ của các trường ĐH cũng được làm rõ hơn rất nhiều so với Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Thậm chí một số quyền tự chủ của các trường ĐH còn được mở rộng ví dụ như cơ cấu tổ chức của trường. “Cơ cấu tổ chức đã được đưa vào trong quy chế hoạt động của trường. Đây là điểm giúp cho việc tổ chức của trường được linh hoạt theo đặc thù của từng trường” - PGS. Hoàng Minh Sơn nói. Thứ hai, trong Luật đã quy định chặt chẽ hơn về kiểm định, mở ngành, hợp tác đào tạo.
Cũng theo PGS. Hoàng Minh Sơn, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng đã được làm rõ hơn trong Luật. Hội đồng trường có quyền quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Luật đã tăng mạnh quyền của hội đồng trường. “Vai trò của hội đồng trường đã được thể hiện rất rõ.
Quyền của hội đồng trường được quy định cụ thể như quyết định về chiến lược, quy hoạch, chính sách đào tạo, nghiên cứu, nhân sự, chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Rồi về ngân sách tài chính, đầu tư. Như vậy, Hội đồng trường có nhiều quyền lực hơn so với hiện nay” - PGS. Hoàng Minh Sơn cho hay. Hội đồng trường và Hiệu trưởng có vai trò bổ trợ cho nhau. “Có thể nói, Luật GD ĐH sửa đổi lần này tạo hành lang pháp lý tốt để các trường phát triển” - ông Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của PGS. Hoàng Minh Sơn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, trong Luật GD ĐH sửa đổi đã tạo ra một xu thế mà Bộ GD&ĐT có thể tận dụng. “Tôi vẫn nói, giáo dục ĐH Việt Nam suốt một thời gian dài tổ chức các trường ĐH theo hướng đơn ngành như ĐH Ngân hàng, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương... không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Mọi hoạt động của kinh tế, xã hội, công nghệ bên ngoài đều theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nên cơ cấu tổ chức ĐH đơn ngành là không được. Thứ hai là việc “đẻ” ra các ĐH địa phương nó làm cho số sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng. Vì chất lượng đào tạo không đồng đều. Vì vậy, việc Luật GD ĐH sửa đổi cho phép sáp nhập nhiều trường với nhau là một cơ hội để tái cơ cấu lại ĐH Việt Nam theo hướng đa ngành đa lĩnh vực” - PGS. Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.“Giáo dục ÐH Việt Nam suốt một thời gian dài tổ chức các trường ÐH theo hướng đơn ngành như ÐH Ngân hàng, ÐH Mỏ địa chất, ÐH Kinh tế, ÐH Ngoại thương... không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Mọi hoạt động của kinh tế, xã hội, công nghệ bên ngoài đều theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực”.
PGS.TS Ðỗ Văn Dũng,
Hiệu trưởng trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Các Luật khác cũng phải được điều chỉnh
Lãnh đạo một trường ĐH đã thực hiện thí điểm tự theo Nghị quyết 77 khẳng định, tự chủ đã tạo ra nhiều thay đổi. Nhà trường có rất nhiều đổi mới trong việc thay đổi cơ cấu tổ chức và phương pháp quản trị, giảm các đơn vị đầu mối, mô hình tổ chức phù hợp với tiến trình tự chủ và tương đối tiếp cận với các trường ĐH trên thế giới.
“Đối với cơ sở vật chất nhà trường, chúng tôi cũng đã chủ động hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo phục vụ quá trình đào tạo của sinh viên, đó cũng là lý do nhà trường tạo được bước nhảy vọt thứ hạng trong bảng xếp hạng trên giới” - vị này cho hay. Việc thu hút cán bộ, các chính sách tuyển dụng cũng được đổi mới để có thể thu hút được nhiều cán bộ giỏi làm việc tại trường. Nhà trường cũng có chính sách thu hút tuyển sinh chủ động và có những kết quả hết sức tích cực.
Bên cạnh những tác động tích cực, theo vị lãnh đạo trên, trường cũng gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn. Một trong vướng mắc lớn đó là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung cho phép trường tự chủ. Vì vậy một số nội dung trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế không thực hiện được, ví dụ như việc liên kết sử dụng tài sản của nhà trường liên kết, liên doanh để phát triển đào tạo khoa học công nghệ.
Các nguồn từ ngân sách Nhà nước như khoa học vẫn phải quyết toán theo Luật Ngân sách Nhà nước rất phức tạp, gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện, không thể đẩy nhanh hơn được. Vướng mắc thứ hai là nguồn ngân sách nhà trường sau tự chủ chủ yếu dựa vào học phí, việc này ảnh hưởng đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ sở vật chất của nhà trường.
Một vấn đề nữa dù nhà trường rất cố gắng nhưng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến vấn đề nghiên cứu phát triển. Chính vì vậy, nguồn đầu tư từ doanh nghiệp tức vào nhà trường chưa được mạnh và chưa được như mong muốn. Đó cũng là một trong khó khăn chính mà các trường gặp phải trong quá trình triển khai tự chủ.