Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì?

TP - Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà quản lý đã lên tiếng nói về Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi. 

GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội:
Khoảng trống Y khoa

Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì? ảnh 1 GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) hiện chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng của Luật là về trình độ và văn bằng giáo dục ĐH. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, để trở thành người bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường ĐH, người học còn phải đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và thường xuyên đào tạo cập nhật, phát triển nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo và năng lực của chuyên khoa và chuyên khoa sâu (ở Việt Nam hiện nay là đào tạo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú) cũng khác hẳn chương trình và năng lực đầu ra của thạc sĩ, tiến sĩ. 

Theo khung năng lực trình độ quốc gia, đào tạo y 6 năm tương đương với trình độ thạc sĩ ở các ngành học khác. Việc công nhận đúng trình độ đào tạo sẽ liên quan đến mức lương khởi điểm, thang bậc lương phù hợp về sau. Nếu trong Luật GDĐH không thể xây dựng cụ thể hóa điều này thì nên có hướng dẫn về ngành đặc thù để sau này Chính phủ dựa vào đó xây dựng các Nghị định phù hợp với ngành đó. 


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT: 
Luật GDĐH của nhiều nước không có quy định về bác sĩ chuyên khoa, nội trú 

Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì? ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT
Khi sửa Luật GDĐH, tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế, ở một số Dự thảo trước, Ban soạn thảo đã đưa vào nhiều quy định về nhân lực (bác sĩ, dược sĩ…) như Điều 6 (quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (liên kết đào tạo)... và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề đó. 

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, các trình độ của GDĐH chỉ nên là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như hầu hết các nước khác. Nếu quy định trình độ tương đương thì không minh bạch, khó có cơ chế kiểm soát. Nếu quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định sẽ làm rối và có thể làm giảm hiệu lực của văn bản Luật…

Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới thì việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc của cơ quan quản lý chuyên môn. 

Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới, chỉ gặp trong mô hình đào tạo của Liên Xô và một số nuớc Đông Âu trước đây.

Ban soạn thảo đã tham khảo luật GDĐH của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đức, Trung Quốc… thì chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sỹ nội trú trong Luật GDĐH.  

TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển KHCN, ĐH Tôn Đức Thắng:
Hội đồng trường phải được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng 

Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì? ảnh 3 TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển KHCN, Đh Tôn Đức Thắng
Cần đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong Luật GDĐH.  Ví dụ như các trường ĐH được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng. Hội đồng trường được cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ quản lý trường, tại sao cơ quan này không thể bổ nhiệm hiệu trưởng?  Ở các nước, hiệu trưởng các trường ĐH cũng giống như các CEO trong các doanh nghiệp. 

Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm trước nhà nước về giám sát các trường, còn hội đồng trường chịu trách nhiệm về hoạt động của trường đó. Giao cho các trường tự chủ, bổ nhiệm hiệu trưởng  cũng không mới. Vì  đã được đưa ra trong Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 29/10/2018.

Sau đó, Chính phủ ra Nghị quyết 08 ngày 24/1/2018 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19. Tại Nghị quyết 08, Chính phủ đưa ra quan điểm: Đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Các trường ĐH công lập là các đơn vị sự nghiệp công lập.  Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH cần phải được cụ thể hơn trong Luật GD ĐH sửa đổi sắp tới.

PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
Đào tạo ĐH 3 năm ở Việt Nam rất khó

Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì? ảnh 4 PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Về tự chủ ĐH, Hội đồng trường đã  được đề cập cụ thể hơn so với Luật GDĐH hiện hành. Đối với hệ thống văn bằng chứng chỉ, tôi cho rằng, ở bậc ĐH, theo khung trình độ quốc gia thì đưa vào khoảng 120 tín chỉ, tương đương với 4 năm.  Có nhiều người nói, nên quy định theo thế giới là đào tạo ĐH trong thời gian 3 - 4 năm, nhưng theo  tôi, trong bối cảnh của Việt Nam đào tạo ĐH trong 3 năm là rất khó.  Thực tế, trên thế giới, những nước đào tạo ĐH 3 năm rất ít. Hơn nữa, những nước này còn có hệ dự bị ĐH như Anh quốc. 

Chúng  ta cũng đang nói nhiều đến việc thống nhất văn bằng chứng chỉ. Đối với những ngành nghề đào tạo theo hướng ứng dụng thì sẽ có những đào tạo tiếp theo do các hiệp hội nghề nghiệp quy định. Ví dụ như kỹ sư, luật hay như bác sĩ.  Riêng với ngành y, đào tạo 6 năm nên có nhiều ý kiến cho rằng có thể đào tạo cử nhân y khoa, còn bác sĩ thì giống như kỹ sư, hội nghề nghiệp sẽ cấp. Ngay cả với bằng kỹ sư của ĐH Bách khoa thì có thể thấy, các nước trước kia có truyền thống cấp bằng kỹ sư thì giờ hầu như không còn. Tương tự các trường Luật đào tạo luật nhưng không cấp bằng luật sư chỉ cấp bằng cử nhân luật. Nhưng đang có thực tế là  các trường kiến trúc đang cấp bằng kiến trúc sư. Có thể nói, về văn bằng chứng chỉ, cần phải được quy định thống nhất hơn trong Luật sắp tới.

GS. Đặng Kim Vui, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Thái Nguyên:
ĐH trong ĐH vùng: “Củ khoai tây trong bịch khoai tây”

Dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi: Người trong cuộc nói gì? ảnh 5 GS. Đặng Kim Vui, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Thái Nguyên
Nếu trong Luật GDĐH sắp tới để mô hình ĐH vùng hai cấp (giống như hiện nay) thì sẽ không phát huy được thế mạnh của các ĐH vùng và không hiệu quả. Theo tôi, cần chuyển  các  ĐH vùng thành các ĐH đa ngành và quản lý 1 cấp. Các trường ĐH trực thuộc chỉ thuần túy làm công việc chuyên môn, không quản lý nhà nước như hiện nay. Vì quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo của các trường ĐH hiện nay giảm rất nhanh. Nếu để mô hình quản lý xé lẻ như hiện nay rất lãng phí, cồng kềnh. Giảm bớt bộ máy quản lý đầu dưới, tập trung cho quản lý đầu trên, hoạt động liên thông trong ĐH.  Vì vậy, trong Luật GD ĐH sửa đổi phải thể hiện rõ được quan điểm này. Các trường ĐH nhỏ  có thể trở thành vệ tinh hoặc phân hiệu của các trường ĐH lớn. Có thể thấy, các trường ĐH trong ĐH vùng cũng giống như các củ khoai tây trong bịch khoai tây. Mỗi trường là một bộ máy độc lập, không có sự liên thông. Nếu cứ để tồn tại lắt nhắt như này sẽ rất manh mún. 
MỚI - NÓNG