Đại học không có chủ, rất nguy hiểm

ÐBQH, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường
ÐBQH, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường
TP - Sáng 6/11, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm rõ quyền chủ sở hữu trường đại học. Bởi, theo đại biểu nếu đại học không có chủ, rất nguy hiểm.

“Ðại học như không có chủ, rất nguy hiểm”

Đề cập vấn đề xác định “chủ sở hữu” đại học, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng vì đó là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nên phải có quyền quyết định nhân sự. “Chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, chủ sở hữu là người có 4 quyền, bao gồm: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. “Nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm, không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình”, Bí thư Thành ủy TPHCM nói đồng thời nhấn mạnh, người chủ sở hữu này, với đại học công lập, chính là Hội đồng trường. Nhưng trong hội đồng đó cũng phải xác định người đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước để quản lý, giám sát trường.

Tuy nhiên, ông Nhân cho hay, việc quy định trong dự thảo luật là hội đồng trường trình ra người đại diện này và gửi cho Bộ GD&ĐT hoặc UBND để phê duyệt là hơi ngược vì đáng lẽ chủ sở hữu trường phải chọn ra người của mình, đảm bảo theo yêu cầu của mình thì mới ra được hội đồng trường.

Nêu ví dụ về việc 1 giáo sư người Việt sống ở nước ngoài, về Việt Nam làm hiệu phó xong được trường bầu hiệu trưởng, nhưng bầu xong sang cơ quan quản lý bị bác bỏ, ông Nhân cho rằng, đấy chính là quy trình ngược. “Lẽ ra danh sách ứng cử viên đó phải được chủ sở hữu đồng ý, còn trường có bầu hay không là chuyện của trường. Chúng tôi xin đề nghị lưu ý chủ sở hữu phải làm đúng quyền của mình”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân góp ý.

“Chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác”.            

ÐBQH, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Ai giám sát khi đại học tự chủ?

Theo ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) việc tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Song, theo ông Thế, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, nhất là trong quá trình tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học. “Nếu tự chủ về tài chính, học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao”, ông Thế cảnh báo.

Cũng theo ông Thế, việc cho phép các trường tự chủ về cơ sở vật chất nhưng không kèm theo chế tài kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lệch hướng đào tạo. Tương tự, việc cho phép các trường đại học chủ động mở thêm các mã ngành đào tạo, trong khi đó chưa có chế tài quy định chặt chẽ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo sẽ không cao. “Cũng vì cơ chế này mà trong một thời gian rất ngắn, các trường đại học đã mở thêm 184 mã ngành đào tạo, trong đó có những ngành yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chuyên sâu rất cao, như là ngành dược”, ông Thế dẫn chứng.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh”, bên cạnh yếu tố tích cực là phát huy tính tự chủ thì cũng có nguy cơ tạo ra bất cập, không gắn đào tạo với nhu cầu. Vì thế, để tránh tình trạng “gần 200.000 cử nhân kỹ sư tốt nghiệp đại học thất nghiệp như thời gian vừa qua”, ông Trí đề nghị cần quy định trách nhiệm của bộ, ngành đối với vấn đề này. 

Trong đó giao Bộ LĐ,TB & XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự báo nhu cầu lao động của thị trường trong từng lĩnh vực, yêu cầu về số lượng cũng như trình độ thời gian từ 4 đến 6 năm tới. Giao Bộ GD & ĐT có trách nhiệm tổng hợp tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học đã báo cáo. Căn cứ nhu cầu lao động thị trường từ 4 đến 6 năm tới để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp, góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường lao động.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.