Vụ học sinh lập nhóm chát nói xấu cô giáo: Thiếu lời cảm ơn

Học trò có "thế giới bí mật" mà người lớn không thể dùng hình phạt để giải quyết
Học trò có "thế giới bí mật" mà người lớn không thể dùng hình phạt để giải quyết
Trong sự việc học trò ở Thanh Hóa lập nhóm chát "nói xấu" cô giáo và bị cô giáo phát hiện sau khi tịch thu điện thoại, cả cô và nhà trường đều đã rất vội vã vào cuộc xử lý. Tiếc rằng, thay vì xử phạt thì lẽ ra trong trường hợp này cần một lời cảm ơn.

Câu chuyện bắt đầu từ một học sinh (HS) dùng điện thoại trong lớp và bị cô giáo bộ môn tịch thu rồi giao lại cho cô chủ nhiệm. Cầm điện thoại học trò, cô giáo đọc được tin nhắn các em gồm một số học sinh lập nhóm chát riêng nói xấu mình, nói xấu nhà trường, từ đó cô đọc lại toàn bộ lịch sử tin nhắn của các em và báo cáo lên nhà trường.

Sự việc gói gọn ở đó và nhà trường lập Hội đồng kỷ luật mà theo quyết định kỷ luật có 14 thành viên. Và cũng hết sức bất ngờ khi kết quả đều ở mức 10 - 13/14 phiếu đồng ý với hình thức đuổi học 7 HS và cảnh cáo một em trước toàn trường.

Cũng dễ hiểu ngay sau đó, quyết định kỷ luật này bị thu hồi. Thay cho việc kỷ luật trong trường hợp này, lẽ ra phía nhà trường, giáo viên cần một lời cảm ơn vì đây chính là cơ hội để họ thể hiện vai trò giáo dục, cơ hội để "điều chỉnh" chính mình và học trò.

Trước hết, hãy cảm ơn các em. Trước những bất mãn, khó chịu trong môi trường học đường của tuổi mới lớn, thay vì hành xử một cách tiêu cực như quay clip, tung hê lên mạng hay mang cục "ấm ức" trong mình chờ dịp trả đũa...

Thực tế, đã có vô số vụ việc đau lòng trò đánh thầy bắt nguồn từ sự ấm ức, bốc đồng, bột phát của tuổi trẻ, của học trò. Ở đây, các em đã biết chia sẻ quan điểm với những người bạn, bằng hình thức nhóm kín. Ở đó là thế giới của các em, để các em "xả" những ức chế của mình.

Việc giáo viên đọc tin nhắn và lôi ra toàn bộ lịch sử trò chuyện của HS trong điện thoại cá nhân là việc xâm phạm quyền riêng tư. Gác vấn đề này lại, nếu nói về "bản tính người" thì không hề dễ dàng để chúng ta kiềm chế lại sự tò mò về việc người khác nói về mình. Nhưng ở vị thế là một người thầy, họ hoàn toàn có thể ứng xử để "bí mật" này vĩnh viễn là điều không bao giờ được "bật mí". Học trò có một "thế giới riêng" mà người lớn không thể dùng hình phạt để giải quyết. Đó cũng biểu hiện của tinh thần cao thượng. Và điều này vừa bảo vệ học trò, vừa bảo vệ chính mình!

Dù các em nói gì về mình thì đây chính là cơ hội để nắm tâm tư, tình cảm của học sinh - điều mà chúng ta vẫn nghe hàng ngày về trọng trách giáo dục. Nếu các em nói đúng, nhận xét về những biểu hiện của mình, hãy dành cho các em một lời cảm ơn để từ đó điều chỉnh, tiết chế bản thân. Một nhóm HS - lại được nhận xét là lứa HS nhà trường gửi gắm nhiều niềm tin - cùng bức xúc với giáo viên thì ít hay nhiều sẽ có lý do. Những lời nói xấu có khi đáng giá hơn những lời nói tốt là ở đây.

Còn nếu giáo viên cho rằng các em quá đà, nói oan uổng về mình, có những ngôn từ không thể nào chấp nhận được thì đây là dịp để "chỉnh sửa, uốn nắn" các em, thể hiện vai trò của giáo dục, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo.

Vậy mà, chưa thấy một động thái giáo dục nào, cả hội đồng kỷ luật trong nhà trường lại quá nhanh nhảu ra hình thức kỷ luật đuổi học, cảnh cáo HS với lý do "để răn đe, giáo dục".

Cũng như phụ huynh, có thể vô tình hay cố ý đọc được nhật ký của con với những điều bí mật họ không dám tin là có thật. Nhưng đó là cơ hội chân thực nhất để họ biết vấn đề của con, để hiểu con hơn, để tìm cách giải quyết mà không "bứt dây động rừng". Còn lập tức tung hô, trừng phạt đã đồng nghĩa với việc đưa tay đẩy con ra xa mình hơn.

Ở góc độ trường học cũng cần dành cho học trò một lời cảm ơn. Qua sự việc này, môi trường giáo dục cần nhìn lại những bất ổn về dân chủ học đường, học sinh chưa có chỗ để bày tỏ tiếng nói, những bức xúc của mình. Nhà trường cần tạo môi trường, hướng học sinh để các em lên tiếng, góp ý một cách tích cực nhất.

Một chuyên gia về tâm lý cảm xúc bày tỏ đuổi học học sinh khi bị nói xấu là chỉ muốn đẩy các em ra ngoài, nhất là khi chưa áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực là một sự vô trách nhiệm. Thấy được tâm tư của trò dành cho mình là cơ hội lớn để ngồi xuống đối thoại với các em, lấy sự lắng nghe và bao dung để giáo dục học trò thật sự.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG