Trường đại học phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Với đa số đại biểu tán thành, chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Quy định rõ về trách nhiệm giải trình

Điều 65 của luật quy định, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Trong đó, cơ sở giáo dục đại học công lập xác định mức thu học phí trên cơ sở tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên; còn đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí.

Cùng với đó, cơ sở GDĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khoá học và từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan đến vấn đề tài chính, tài sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ tỉ lệ kinh phí (tối thiểu) của nhà trường dành cho chính sách học bổng; bổ sung điều kiện để được phép sử dụng tài sản được giao để kinh doanh, cho thuê; giao Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng tài sản của cơ sở GDĐH để kinh doanh, cho thuê, liên kết theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.

Về chính sách học bổng, theo ông Bình, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy hiện nay có nhiều văn bản dưới luật đã quy định chính sách học bổng khuyến khích học tập, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với định mức kinh phí khá cụ thể, chi tiết. Hơn nữa, mức kinh phí này được coi là yếu tố động, có sự thay đổi tùy theo điều kiện thực tiễn của từng cơ sở GDĐH, ở từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, vì vậy, xin được giữ như dự thảo.

Tài sản của cơ sở GDĐH công lập là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH công lập được tự chủ sử dụng một phần tài chính, tài sản được Nhà nước giao để thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển GDĐH theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển là căn cứ trên nguyên tắc và phải tuân thủ các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, vì vậy, trong Luật này không cần thiết phải quy định lại.

Về tự chủ đại học, một số ý kiến đề nghị quy định rõ điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ; lượng hóa tiêu chí cụ thể đối với từng nội dung tự chủ, nhất là về học thuật, tài chính; có lộ trình giao tự chủ; tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ cơ chế quản lý, mức độ chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ sở GDĐH không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng các cam kết về bảo đảm chất lượng đào tạo, về trách nhiệm giải trình.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2 Điều 32, theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

“Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng”, ông Bình cho hay.

BCH Đoàn Thanh niên là thành viên hội đồng trường

Về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở GDĐH, theo ông Phan Thanh Bình, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ về: cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng trường; hình thức quyết định nhân sự chủ chốt của hội đồng; điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn và việc giới thiệu, ứng cử, bầu thành viên ngoài trường vào hội đồng; giảm tỉ lệ thành viên bên ngoài trong hội đồng; cân nhắc thành viên là người học cho phù hợp với nhiệm kỳ của hội đồng, quy định đại diện Đoàn TNCS là Bí thư Đoàn trường và bổ sung đại diện người học từ hội sinh viên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý điểm c khoản 6 Điều 16 theo hướng yêu cầu quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường quy định cụ thể về số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường. UBTVQH nhận thấy trong xu thế tăng cường tự chủ và để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị thì Luật không nên can thiệp vào chi tiết như quy định tiêu chuẩn, điều kiện của từng thành viên hội đồng trường hay việc giới thiệu, ứng cử, bầu thành viên ngoài trường vào trong hội đồng trường mà để cơ sở GDĐH tự điều chỉnh trong quy chế tổ chức và hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định thành viên đương nhiên trong hội đồng trường là đại diện Ban chấp hành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và xác định rõ đại diện này phải là người học nhằm một mặt bảo đảm được tính định hướng tư tưởng, mặt khác vẫn bảo đảm có tiếng nói đại diện cho người học trong hội đồng trường. “Việc tăng thêm thành viên hội đồng trường là đại diện Đoàn thanh niên, hội sinh viên sẽ làm mất cân đối trong cơ cấu chung của hội đồng trường”, ông Bình cho hay.

Về tỉ lệ thành viên hội đồng là người ngoài trường, Ủy ban Thuường vụ QH nhận thấy việc tham gia hội đồng của thành viên bên ngoài trường nhằm gắn kết các quyết sách của nhà trường với cuộc sống bên ngoài, nhu cầu xã hội đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Với các thành phần gồm các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụng lao động…thì thành phần bên ngoài này sẽ đóng góp rất lớn vào định hướng hoạt động của nhà trường đáp ứng nhu cầu xã hội.

Luật hiện hành đã quy định tỉ lệ này tối thiểu là 20%. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ lệ này ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển là rất lớn, thậm chí trên 50%. Nhằm triển khai quan điểm gắn nhà trường đại học với xã hội, Dự thảo Luật quy định tỉ lệ này tối thiểu là 30%. Dự thảo Luật không khống chế số lượng thành viên bên ngoài mà để cho nhà trường tự quyết định.

MỚI - NÓNG