Truy tố tám bị can 'rút ruột' tượng đài Điện Biên Phủ

Truy tố tám bị can 'rút ruột' tượng đài Điện Biên Phủ
TP - Hôm qua (12/10), Viện KSNDTC hoàn tất cáo trạng vụ tiêu cực trong xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP), truy tố tám bị can về các hành vi tham ô, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa và nhận hối lộ.
Truy tố tám bị can 'rút ruột' tượng đài Điện Biên Phủ ảnh 1
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Phùng Sưởng

Tám bị can bị truy tố gồm: Lương Phượng Các (SN 1964, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Điện Biên, Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ, gọi tắt là BQL); Lê Văn Viễn (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc BQL); Trần Quốc Hưng (SN 1971, nguyên kế toán BQL); Nguyễn Văn Chính (SN 1961, nguyên cán bộ kỹ thuật BQL); Võ Thị Hồng (SN 1949, nguyên Giám đốc Cty Mỹ thuật T.Ư); Nguyễn Trọng Hạnh (SN 1959, Phó Giám đốc Cty TNHH Đoàn Kết); Lê Huyên (SN 1943, nguyên Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội); Nguyễn Đức Sứng (SN 1945, nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

Theo cáo trạng, các ông Các và Viễn đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỹ thuật cũng như tổng dự toán công trình; làm trái về thẩm định dự toán phần mỹ thuật, đề nghị chỉ định thầu và ký các hợp đồng kinh tế.

Ông Các, ông Viễn cùng một số người khác không kiểm tra kỹ thuật, năng lực tài chính của Cty Mỹ thuật T.Ư khi đề xuất chỉ định thầu, ký hợp đồng, không phát hiện Cty này không có xưởng đúc đồng nên phải bán cái cho Cty TNHH Đoàn Kết...

Các ông Các, Viễn, Hưng và Chính còn vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình, không giám sát thi công, nghiệm thu theo đúng quy định pháp luật, dẫn đến tượng đài bị bớt xén tiền vốn, vật tư, thi công, không đảm bảo kỹ - mỹ thuật.

Các bị can còn ký hợp đồng tư vấn giám sát khống, làm lại hồ sơ nghiệm thu phần mỹ thuật và hồ sơ thanh toán không đúng khối lượng thực tế, gây thất thoát tiền Nhà nước.

Theo giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, số đồng bị thiếu hụt so với dự toán đã ký là hơn 97,7 tấn, trị giá gần 2,7 tỷ đồng; thiệt hại vật chất đối với phần mỹ thuật là hơn 5,5 tỷ đồng.

Để được chỉ định thi công công trình, các bị can Hồng, Hạnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi thế, uy tín của doanh nghiệp nhà nước để che giấu năng lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật, che giấu việc tự ý  ký hợp đồng đúc tượng trước không căn cứ vào dự toán thiết kế...

Trong quá trình thi công, bà Hồng và BQL không kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu khối - chất lượng, tạo điều kiện cho bị can Hạnh dùng đồng phế liệu để đúc tượng, làm thất thoát tiền đầu tư của Nhà nước và ảnh hưởng chất lượng công trình.

Mặc dù không tham gia dự án, nhưng các bị can Huyên, Sứng đã giúp những cá nhân trong BQL ký hợp đồng tư vấn giám sát và hồ sơ nghiệm thu mỹ thuật khống, để rút hơn 242 triệu đồng chia nhau. Trong đó, ông Huyên được chia 65 triệu đồng, ông Sứng 89,6 triệu đồng. (Hai bị can đã nộp lại số tiền này).

Ngoài ra, ông Các còn yêu cầu bà Hồng chi 500 triệu đồng để BQL đi “cảm ơn” lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh Lai Châu (cũ). Số tiền trên, ông Các khai chiếm hưởng 50 triệu đồng, đưa cho ông Viễn 40 triệu đồng, “biếu” lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh 365 triệu đồng.

Tuy nhiên, những cán bộ mà ông Các khai đưa tiền biếu đều phủ nhận sự việc. Hành vi của ông Các, bà Hồng được CQĐT xác định cấu thành tội đưa và nhận hối lộ.

Viện KSNDTC ủy quyền cho Viện KSND tỉnh Điện Biên thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".