Truy tìm 2 kẻ dùng hộ chiếu giả trên máy bay mất tích

Sáng 9/3, tổ bay của chiếc máy bay AN 26 số hiệu 261 của Việt Nam chuẩn bị cất cánh, tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Ảnh: Trường Điền
Sáng 9/3, tổ bay của chiếc máy bay AN 26 số hiệu 261 của Việt Nam chuẩn bị cất cánh, tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Ảnh: Trường Điền
TP - Trong khi vẫn chưa có tung tích về chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích, radar quân sự cho thấy máy bay có thể đã quay đầu lại Kuala Lumpur trước khi biến mất. Vùng tìm kiếm được mở rộng, trong khi các chuyên gia chống khủng bố đang điều tra 2 hành khách dùng hộ chiếu giả.

Tổng tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Rodzali Daud, hôm qua nói rằng, tín hiệu radar cho thấy khả năng chiếc máy bay đã quay đầu lại, nhưng không nói nó trở lại được bao xa. “Chúng tôi đang cố gắng giải thích điều này”, ông Daud nói tại cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hôm 9/3.

Nghi vấn máy bay nổ

Các chuyên gia điều tra đang kiểm tra băng ghi hình của hệ thống camera giám sát và kiểm tra biểu hiện của hành khách. Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng, các cơ quan quốc tế, trong đó có Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc. “Hệ thống tình báo của chúng tôi đã vào cuộc, và tất nhiên cả các đơn vị chống khủng bố từ tất cả các nước liên quan đã được thông báo”, ông Hussein nói. “Mục tiêu chính của chúng tôi và các gia đình liên quan là tìm được chiếc máy bay”.

Nhiều người lo ngại khả năng khủng bố dùng hộ chiếu giả để lên máy bay, rồi sau đó chiếc máy bay biến mất mà không có tín hiệu báo trục trặc nào được gửi tới trạm kiểm soát không lưu.

Tổng giám đốc điều hành Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya nói rằng, các phi công phải thông báo cho trạm kiểm soát nếu quay đầu máy bay. “Từ những thông tin có được, chúng tôi không thấy tín hiện báo nguy hay báo cáo lâm nạn, vì thế chúng tôi rất bối rối”, ông Yahya nói.

“Sự biến mất đột ngột như vậy cho thấy có điều gì đó xảy ra quá nhanh đến mức phi công không thể phát tín hiệu cấp cứu, trong trường hợp này có khả năng là hành động chủ ý hoặc phi hành đoàn quá bận đối phó với điều gì đó đang xảy ra”, ông Paul Hayes, Giám đốc an toàn bay của hãng tư vấn hàng không Flightglobal Ascend, nói với Reuters.

Ngày 9/3, Interpol khẳng định, ít nhất 2 hộ chiếu có tên trong cơ sở dữ liệu giấy tờ đi lại bị mất và thất lạc của tổ chức này đã được sử dụng bởi hành khách trên chuyến bay Malaysia mất tích. Đó là hộ chiếu của một người Áo và một người Ý, Xinhua đưa tin.

Nỗi lo sợ càng tăng lên khi cơ quan chức năng Malaysia xác nhận họ đang công tác với FBI. Chiếc máy bay biến mất khi đang trên đường đến Trung Quốc, nơi tuần trước vừa có 33 người thiệt mạng và 143 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố bằng dao ở thành phố Côn Minh, miền tây nam Trung Quốc.

Thủ phạm bị chính quyền cáo buộc là nhóm người Duy Ngô Nhĩ ủng hộ ly khai đến từ vùng Tân Cương, nơi giáp biên giới với Pakistan và Afghanistan. Một số báo chí Trung Quốc gọi đây là vụ khủng bố 11/9 của nước này.

Một số chuyên gia cho rằng, chiếc máy bay có thể bị nổ. Những phần tử al-Qaeda từng dùng cách tương tự để che giấu danh tính thật của chúng. Nhưng các chuyên gia hàng không và chống khủng bố nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để khẳng định khủng bố gây ra vụ tai nạn máy bay lần này, và việc dùng hộ chiếu bị đánh cắp cũng có thể được giải thích theo cách khác.

Họ cũng không loại trừ những khả năng khác như máy bay bị trục trặc, bất ổn đột ngột, phi công thao tác sai hoặc tự tử. Lần cuối cùng chiếc máy bay được kiểm tra là 10 ngày trước và được xác định là “tình trạng tốt”.

Người đứng đầu ngành hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, nói rằng, khu vực tìm kiếm đã được mở rộng xuống cả vùng biển phía tây Malaysia. Giới chức Malaysia cho biết 5 hành khách đặt vé đã không lên máy bay. Lúc đầu, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng, có 4 nghi can trong danh sách hành khách, nhưng sau đó cho biết chỉ còn 2 đối tượng tình nghi. BBC dẫn lời một quan chức an ninh Malaysia nói rằng, hai người đàn ông này dùng hộ chiếu giả của một công dân Ý và một công dân Áo.

Hôm 8/3, Bộ Ngoại giao Ý và Áo nói rằng, tên của hai công dân trên bản danh sách hành khách khớp với tên trong hai hộ chiếu của công dân nước họ bị mất cắp ở Thái Lan vài năm trước. Cả hai đối tượng tình nghi đã mua hai vé cùng thời điểm từ hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc (China Southern Airlines) và mua hai ghế gần nhau.

China Southern Airlines cùng khai thác chuyến bay với Malaysia Airlines. Hai người đàn ông cùng mua vé bay từ Bắc Kinh sang châu Âu, nghĩa là họ không phải xin visa Trung Quốc và cũng không bị kiểm tra an ninh thêm.

Chuẩn bị tình huống xấu nhất

Tính đến tối qua, có 22 máy bay và 40 tàu của Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ đang tham gia cứu hộ, chưa kể lực lượng của Việt Nam. Mỹ đang cử tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Pinckney đến hiện trường. Một nhóm chuyên gia Mỹ từ Ban An toàn vận tải quốc gia, Cục Quản lý hàng không liên bang và hãng Boeing đang trên đường đến châu Á để trợ giúp điều tra.

Các chuyên gia cho biết việc tìm kiếm dấu vết máy bay mất tích trên biển có thể mất vài ngày hoặc lâu hơn nữa. Tùy thuộc vào tình huống tai nạn, các mảnh vỡ của máy bay có thể bị bắn đi cách hiện trường nhiều cây số. Nếu máy bay rơi xuống nước trước khi nổ thì sẽ ít mảnh vỡ hơn. Một vài người thân của các nạn nhân nói rằng họ vẫn hy vọng phép màu sẽ đến, nhưng nhiều người đã xác định có rất ít hy vọng tìm thấy chiếc máy bay.

Sau 2 ngày chiếc máy bay mất tích, ông Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của Malaysia Airlines, nói rằng, gia đình các nạn nhân nên “chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất”. Tối 7/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gửi lời chia buồn tới thân nhân các hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay mất tích.

Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia lớn nhất ở châu Á, vận chuyển gần 37.000 hành khách mỗi ngày tới khoảng 80 điểm đến trên thế giới. Đường bay Kuala Lumpur - Bắc Kinh ngày càng thu hút đông hành khách khi quan hệ thương mại Maylaysia - Trung Quốc phát triển. Trong suốt lịch sử 19 năm, Malaysia Airlines không có vụ tai nạn chết người nào.

Trung Quốc đánh giá cao công tác cứu hộ của Việt Nam

Trong cuộc điện đàm chiều 9/3 với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về vụ tai nạn máy bay, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và các nước liên quan cũng như gia đình, thân nhân các hành khách có mặt trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Phía Trung Quốc tin tưởng và đánh giá cao những biện pháp mà các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của phía Việt Nam đang triển khai.

Phó Thủ tướng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo các lực lượng, cơ quan chức năng huy động mọi phương tiện, mọi biện pháp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đến nay, phía Việt Nam đã điều động nhiều máy bay và tàu triển khai trong khu vực xảy ra vụ việc để tìm kiếm máy bay mất tích và sẽ tiếp tục huy động thêm các máy bay và phương tiện cứu hộ. Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đang trực chỉ huy 24/24 giờ, đồng thời thành lập Sở chỉ huy phía Nam đặt tại đảo Phú Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lập nhóm công tác đặc biệt ứng trực 24/24 để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Phó Thủ tướng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và các nước liên quan tham gia tìm kiếm trong khu vực nghi máy bay mất tích, cũng như giải quyết các công việc liên quan tiếp theo.

Bộ trưởng Vương Nghị gửi lời cảm ơn chân thành của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự quan tâm, hỗ trợ hết sức kịp thời, tích cực của Việt Nam. Trong thời gian tới, mong phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cứu nạn; đồng thời cho phép, tạo điều kiện cho các lực lượng cứu hộ Trung Quốc được tham gia triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

Thu Loan

MỚI - NÓNG