Những chiếc xe bị đốt cháy rụi trong đợt bạo lực chính trị ở New Caledonia. (Ảnh: AP) |
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin nói rằng một số nhà lãnh đạo muốn độc lập ở New Caledonia đã "thỏa thuận" với Azerbaijan.
Ông tuyên bố, Chính phủ Pháp sẽ không cho phép bên nào can thiệp vào tình hình các lãnh thổ của Pháp.
Azerbaijan bác bỏ cáo buộc này, cho rằng phát biểu của ông Darmanin là "vô căn cứ" và "vu khống".
“Chúng tôi phủ nhận bất kỳ mối liên quan nào giữa các nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do ở Caledonia với Azerbaijan”, Bộ Ngoại giao Azerbaijan tuyên bố.
Nhiều người dùng mạng xã hội ở Pháp, trong đó có những người ủng hộ đảng Cộng hòa cánh hữu đối lập, đã chia sẻ hình ảnh từ bản tin truyền hình cho thấy những người dân New Caledonia đòi độc lập mặc áo in cờ Azerbaijan.
Quan hệ giữa Pháp và Azerbaijan không êm đẹp từ lâu. Pháp là nơi sinh sống của một cộng đồng người Armenia đông đảo và Paris có quan điểm cứng rắn với Azerbaijan khi nước này giành lại quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh năm 2023, khiến hàng nghìn người dân tộc Armenia phải di dời.
Lập trường của Pháp về cuộc xung đột đó đã được đề cập trong tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Azerbaijan đưa ra, sau khi Bộ trưởng Darmanin có phát biểu trên.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi một lần nữa lên án mạnh mẽ những hành động xúc phạm Azerbaijan từ phía Pháp và kêu gọi chấm dứt chiến dịch bôi nhọ Azerbaijan bằng những cáo buộc không thể chấp nhận được, chẳng hạn như vụ thảm sát người Armenia”.
"Thay vì cáo buộc Azerbaijan ủng hộ các cuộc biểu tình đòi độc lập ở New Caledonia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp nên tập trung vào chính sách thất bại của nước ông đối với các lãnh thổ hải ngoại, dẫn đến các cuộc biểu tình như vậy…Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Pháp chấm dứt những tuyên bố vô căn cứ chống lại đất nước chúng tôi”, Bộ Ngoại giao Azerbaijan tuyên bố.
Cảnh tượng bạo lực ở New Caledonia. (Nguồn: Guardian) |
Mâu thuẫn đã tồn tại trong hàng thập qua ở New Caledonia, giữa một bên là cộng đồng người Kanak bản địa muốn độc lập và một bên là con cháu của những người Pháp muốn quần đảo này tiếp tục thuộc quyền quản lý của Paris.
Bạo loạn nổ ra ở New Caledonia từ đầu tuần này, tiếp nối các cuộc biểu tình phản đối cải cách bầu cử mà Quốc hội ở Paris thông qua. Chính sách cải cách cho phép cư dân Pháp đã sống ở New Caledonia trong 10 năm được bỏ phiếu trong bầu cử cấp tỉnh.
Tình hình giảm bớt sau khi Pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp hôm 16/5. Giới chức triển khai 1.000 quân tiếp viện để hỗ trợ lực lượng an ninh và trao cho họ nhiều quyền hạn hơn để dập tắt bạo loạn.
Cao ủy Louis Le Franc, quan chức hàng đầu của Pháp tại vùng lãnh thổ, đã ban bố các biện pháp hạn chế theo tình trạng khẩn cấp được Tổng thống Emmanuel Macron quyết định.
Lệnh giới nghiêm được áp dụng trong ít nhất 11 ngày. Lực lượng quân sự Pháp được triển khai để bảo vệ các cảng biển, sân bay và hỗ trợ cảnh sát.