Hé lộ thương vong do xung đột Armenia - Azerbaijan, Nga kêu gọi bình tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Truyền thông Armenia đưa tin ít nhất 27 người đã thiệt mạng ở Nagorno-Karabakh do các hành động quân sự mà Azerbaijan tiến hành hôm thứ Ba (19/9).
Hé lộ thương vong do xung đột Armenia - Azerbaijan, Nga kêu gọi bình tĩnh ảnh 1
Một tòa nhà chung cư bị hư hại sau vụ pháo kích ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Theo nguồn tin địa phương, hai trong số những người thiệt mạng là dân thường. Ngoài ra, hơn 210 người, trong đó có 12 trẻ em đã bị thương.

Ngày 19/9, Azerbaijan đưa quân vào khu vực Karabakh do Armenia kiểm soát trong một nỗ lực nhằm buộc khu vực này phải khuất phục bằng vũ lực, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến mới với nước láng giềng Armenia.

Nga kêu gọi bình tĩnh

Ngay sau khi xung đột vũ lực nổ ra, Điện Kremlin đã lên tiếng kêu gọi Azerbaijan và Armenia bình tĩnh, đồng thời nói rằng cả Baku và Yerevan nên ngồi lại đàm phán để giải quyết xung đột.

Azerbaijan tuyên bố cần khôi phục trật tự hiến pháp và loại bỏ các đơn vị quân đội Armenia ra khỏi Nagorno-Karabakh. Armenia, đồng minh của Nga, phủ nhận việc có quân đội trong khu vực.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi lo ngại về sự leo thang căng thẳng mạnh mẽ và các hành động thù địch. Điều đầu tiên, trong bối cảnh hoạt động quân sự do lực lượng vũ trang Azerbaijan thực hiện, là đảm bảo an toàn cho dân thường Karabakh.

Ông Peskov cho biết quân đội Nga đã liên lạc với cả hai bên và Mátxcơva đang thúc giục đàm phán.

“Quân đội của chúng tôi đang nỗ lực đưa quá trình giải quyết trở lại con đường chính trị và ngoại giao”, ông Peskov nói, cho biết thêm rằng cơ sở cho các cuộc đàm phán là thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột năm 2020 mà trong đó Azerbaijan đã đạt được những lợi ích đáng kể.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án sự leo thang quân sự ở Karabakh và kêu gọi Azerbaijan dừng các hoạt động quân sự hiện tại, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố.

“Cần phải quay trở lại đối thoại. Sự leo thang quân sự này không nên được lấy làm cái cớ để buộc người dân địa phương phải di cư.” Ông nói thêm rằng EU vẫn tham gia đầy đủ vào việc tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Azerbaijan và Armenia.

Khu vực Nagorno-Karabakh, nơi phần lớn dân cư là người Armenia, đã tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan vào đầu những năm 1990. Azerbaijan tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình, trong khi Armenia ủng hộ Nagorno-Karabakh giành độc lập.

Giữa hai nước đã nổ ra một cuộc giao tranh kéo dài 44 ngày vào năm 2020. Xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.

Theo Reuters, Tass
MỚI - NÓNG