Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Armenia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 8/9, Nga triệu tập đại sứ Armenia để phản đối về điều họ cho là "hành động không thân thiện", trong bối cảnh căng thẳng ở vùng Nam Caucasus gia tăng vì tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Armenia ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: Reuters)

Chỉ vài giờ sau đó, Bộ Ngoại giao Armenia ra tuyên bố bày tỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp với Azerbaijan về lãnh thổ, nơi từng xảy ra hai cuộc chiến tranh trong 30 năm qua. Tuyên bố không nhắc đến phàn nàn của Nga.

Trong hàng loạt tuyên bố đáp trả, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho rằng chính Armenia đang đe dọa ổn định khu vực bằng cách tiếp tay cho chủ nghĩa ly khai ở Nagorno-Karabakh.

Ngày 7/9, Armenia và Azerbaijan cáo buộc nhau điều quân đến gần biên giới chung giữa hai nước.

Ngày 8/9, Nga đưa ra "tuyên bố gay gắt" với đại sứ Armenia về việc đăng ký tham gia Tòa án Hình sự quốc tế, cơ quan đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu năm nay vì vấn đề ở Ukraine.

Mátxcơva cũng không hài lòng với việc Armenia đồng ý tổ chức tập trận chung với Mỹ và chuyến thăm của phu nhân Thủ tướng Armenia đến Ukraine.

Armenia cho Nga đặt một căn cứ quân sự và dựa hoàn toàn vào Nga về cung cấp quốc phòng.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tuần này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng chính sách của Armenia khi chỉ dựa vào Nga để bảo đảm an ninh cho mình là một “sai lầm chiến lược”.

Ông cho rằng Mátxcơva bị phân tâm bởi cuộc xung đột với Ukraine, nên đang giảm bớt vai trò của mình ở Nam Caucasus.

Vùng Karabakh từ lâu đã được công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng cư dân ở đó chủ yếu là người dân tộc Armenia.

Armenia giành được lãnh thổ xung quanh Karabakh khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, nhưng Azerbaijan lấy lại sau cuộc xung đột kéo dài 6 tuần hồi năm 2020, kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tiến trình đàm phán nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài đến nay đã thất bại.

Armenia phàn nàn rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 nhưng không thể ngăn Azerbaijan phong tỏa Nagorno-Karabakh.

Armenia cũng công khai thể hiện hoài nghi rằng có nên tiếp tục tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mà Nga đang dẫn dắt hay không.

Mátxcơva khẳng định họ vẫn là nước bảo đảm chính cho an ninh ở vùng Kavkaz.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG